Áo dài cổ Việt phục
Cổ phục Việt là cả một kho tàng với nhiều loại trang phục khác nhau. Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử chúng ta đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từng thời kỳ. Nổi bật trong số đó là cổ phục thời nhà Nguyễn, như áo Đối khâm, áo Giao lĩnh, áo Nhật Bình, áo Ngũ Thân…
Trải qua biết bao sự biến thiên của lịch sử, áo dài truyền thống của Việt Nam cũng đã có những biến tấu và cách điệu, thay đổi theo từng giai đoạn, thời kỳ. Nhưng tựu trung lại, áo dài vẫn là trang phục tôn vinh vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng và kín đáo của người phụ nữ Việt. Với hoài niệm và mong muốn tìm về chút hương xưa cũ, nhiều phụ nữ Việt ngày nay tìm cổ Việt phục để khoác lên mình bộ áo dài xưa cũ đó.
Để lưu giữ những giá trị của cổ phục Việt, các nhà thiết kế hiện đại ngày ngay đã phải trải qua nhiều giai đoạn công phu để hoàn thành sản phẩm một cách chỉn chu nhất song cũng mang tính ứng dụng hiệu quả nhất. Điều này càng đẩy mạng phong trào tìm hiểu và mặc những bộ cổ phục đến đông đảo mọi người, trong đó có các bạn trẻ cũng đã quen thuộc hơn với những chiếc áo dài cổ trong các lễ hội, ngày Tết cổ truyền và cả trong cuộc sống thường ngày.
Người phụ nữ hiện đại tìm về cổ Việt phục
Trong bối cảnh hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa thì việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc lại vô cùng quan trọng. Việc đưa trang phục cổ Việt Nam trở lại với đời sống đương đại, giúp cổ phục Việt có vai trò và đời sống riêng sẽ là phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất. Thành công trong việc bảo tồn cổ phục Việt sẽ góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tác động tới thị hiếu thời trang người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ theo hướng trân trọng và tôn vinh nét đẹp cổ truyền, góp phần vào sự phát triển của ngành thời trang mang bản sắc Việt.
Những năm qua, phong trào tôn vinh áo dài - Di sản văn hoá Việt được đông đảo mọi người hưởng ứng. Thông qua các Tuần lễ áo dài nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, các hoạt động trình diễn áo dài… đã tạo nên niềm tin và sự kiêu hãnh khi mặc trang phục áo dài. Hành động giữ gìn tà áo dài, tìm về áo dài cổ là một trong những hành động góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp của trang phục truyền thống. Đó là minh chứng cho hành động đầy ý thức và trách nhiệm của chúng ta trước tài sản văn hoá của dân tộc. Bởi lúc đó mỗi người chúng ta đã là một đại sức văn hoá truyền đi thông điệp và tình yêu cổ Việt phục lan toả đến với mọi người.
Khởi nghiệp Cổ Việt phục của những người phụ nữ trẻ
Cùng với trào lưu chụp ảnh, làm video về cổ Việt phục, những năm qua, tại Hội An, hàng loạt các cửa tiệm Cổ Việt phục ra đời. Chủ nhân của những cửa tiệm đó đa số là những bạn nữ trẻ biết quan tâm đến cái đẹp, yêu áo dài và đặc biệt là muốn lan toả tình yêu cổ Việt phục ở Hội An. Hình ảnh thiếu nữ trong trang phục áo dài cổ được chụp tại Phố cổ Hội An luôn là những hình ảnh đẹp, nằm trong một khung cảnh hài hoà và tôn vinh cả phố lẫn người.
Người dân và du khách thường tìm đến những của tiệm này, là nơi chuyên về thiết kế và phục vụ trang phục cổ Việt ở Hội An với sự tin tưởng tuyệt đối.
1. Ngọc Diệp sweet
Chủ cửa tiệm là cô gái nhỏ nhắn sinh và lớn lên ở vùng biển Cẩm An. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Diệu không được may mắn ăn học đến nơi đến chốn, phải bươn chải đi làm kiếm kế sinh nhai. Trải qua nhiều nghề, nhiều việc, Ngọc Diệu bén duyên với dịch vụ cho thuê cổ Việt phục từ hơn 5 năm qua. Diệu tâm sự: do em không được mặc áo dài đi học nên em mê áo dài lắm, em muốn ngày nào cũng được nhìn ngắm áo dài. Chính điều đó đã làm cho tình yêu của Diệu đối với áo ngày càng tăng.
Các bạn trẻ tìm đến cửa tiệm Ngọc Diệu sweet ngày càng đông, khẳng định chỗ đứng của cô gái trong dịch vụ này ở phố cổ Hội An. Sáng sớm đã thấy Diệu tất bật mở cửa đón khách, đa số là có hẹn trước; tối trễ mới đóng cửa do lượng khách có nhu cầu thuê trang phục ngày càng nhiều. Nên Diệu mở rộng cửa tiệm, đầu tư thêm nhiều trang phục, và Diệu rất mừng với sự lựa chọn đúng đắn cũng như con đường khởi nghiệp của mình đã gặt hái kết quả.
2. Việt phục Hội An
Cô gái trẻ người Hà Nội Phạm Thu Vân chọn Hội An để khởi nghiệp với mong muốn có một nơi mọi người tìm đến những bộ trang phục lịch sử được tái tạo phù hợp với thẩm mỹ hiện đại, kết hợp với lan truyền thông tin đúng về mỗi trang phục, vừa giáo dục khách du lịch về truyền thống, lịch sử, cũng như tay nghề phục trang vàng son trong lịch sử của Việt Nam; không chỉ là cho thuê trang phục chụp ảnh, mà còn là giới thiệu một thời vàng son, kỹ nghệ về phục trang Hoàng Gia của các nghệ nhân thời đại trước và tuyên truyền về lịch sự của dân tộc.
Cửa tiệm của Thu Vân đang hoạt động với quy mô nhỏ tại địa điểm 13 Lê Quý Đôn, là một phần hợp tác với Bazar Hội An. Tuy nhỏ nhưng tiệm không làm chúng ta thất vọng bởi sự bố trí tinh tế của cô chủ, thể hiện sự chăm chút, tỉ mẫn trong từng mẫu trang phục. Ra đời sau, thấy hết được những thuận lợi cũng như khó khăn trong ngành dịch vụ này, Vân đã tự rút ra cho mình rất nhiều những kinh nghiệm và sự tiết chế, cách đầu tư cũng như cách thổi hổn vào từng sản phẩm. Để mọi người đến với cửa tiệm không chỉ là để thuê trang phục, mà còn là một nơi chốn tìm về những giá trị xưa cũ, để thư giãn sau những bận rộn của cuộc sống.
3. Miss Duyên
Nép mình trong con phố nhỏ cổ kính Trần Phú, Miss Duyên như một chốn hẹn hò của du khách về những bộ trang phục áo dài cổ. Sự năng động, sáng tạo và cung cách phục vụ chu đáo của chủ cửa tiệm ngày càng thu hút khách cả Tây lẫn ta, đủ mọi lứa tuổi.
Chị Thuỷ Đinh xuất thân là một diễn viên múa, mang trong mình tình yêu nghệ thuật đặc biệt với áo dài Việt cổ, sau hơn 2 năm mở cửa tiệm, chị ngày càng chú trọng hơn về mảng áo dài cổ để thể hiện tình yêu ấy của người phụ nữ Hội An. Đặc biệt hiện nay, áo dài cách tân đnag là xu hướng, nên chị càng tập trung để đáp ứng thị hiếu của du khách.
ANH THƠ