Thứ 2 Ngày 29 tháng 04 năm 2024

KIM SOI - CÔ GÁI BIẾN RÁC THÀNH HOA

12/09/2023 10:43:42      552 lượt xem

Với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để mang lại ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống về hoạt động bảo vệ môi trường, ý tưởng tái chế rác thành những sản phẩm hữu ích, chị Trần Thị Kim Soi quê ở Phú Yên đã lên kế hoạch lập nghiệp tại Hội An với những sản phẩm thủ công (handmade) từ vải vụn.

Hành trình khởi nghiệp

Năm 2012, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang tại Cao đẳng Nghệ thuật Nha Trang và mong muốn đi xa lập nghiệp. Chị đã đặt chân đến Hội An, yêu mến cái "thuần hậu" của vùng đất này và cả sự màu mỡ từ thị trường kinh tế du lịch, lại phù hợp với ngành nghề theo đuổi ước mơ nên đã quyết chí lập nghiệp tại nơi này.

Năm 2013, hành trình đi tìm bản thân trong bước đường khởi nghiệp với SOI handmade - một thương hiệu "biến rác thành hoa" đã ra đời. Khởi nguồn với ý tưởng tạo nên những sản phẩm dành cho phái đẹp từ chất liệu cơ bản là vải vụn. Từ bàn tay khéo léo và kiến thức chuyên môn, những sản phẩm phụ kiện thời trang mang tính ứng dụng cao đã được đưa ra thị trường, như: cài, kẹp tóc, băng đô, khuyên tai, vòng tay, túi xách, khăn choàng…

Ban đầu khởi nghiệp với mong muốn chia sẻ cùng chồng gánh nặng về kinh tế; chị Soi có được những đơn hàng nhỏ lẻ, thu nhập chưa cao nhưng cũng phần nào giúp cho mẹ bĩm Kim Soi có thêm thu nhập. Đến năm 2019 chưa kịp phát triển thị trường thì dịch bệnh Covid - 19 bùng phát kéo theo bao dự định ấp ủ của chị phải dừng lại và công việc “thổi hồn cho đứa con tinh thần từ nguyên liệu tái chế” của Kim Soi cũng đã gặp phải những yếu tố bất lợi khách quan. Chị Kim Soi chia sẻ: "Vì vải vụn nên việc ứng dụng nó vào việc gì hay sản phẩm gì cần nhiều khả năng tưởng tượng và thẩm mỹ, tính toán phôi mẫu và cách phối trộn màu sắc, chất liệu, sản phẩm vì vậy không có một dáng, mẫu cố định cũng như bộ sưu tập mẫu chuẩn để người thợ, cũng như khách hàng có thể sản xuất hoặc lựa chọn. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng thẩm mỹ của người thợ. Có nhiều những sản phẩm rất đẹp, khách hàng mua rồi và muốn mua lại nhưng mẫu đó không có nữa, hoặc khổ vải đôi khi chỉ tận dụng tạo ra được một cái duy nhất. Đồng thời yêu cầu cộng sự trong việc chế tác các sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm mỹ, tay nghề… đã tạo nên sự khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự làm việc…"

Những khó khăn là vậy, những vất vả của nghề là thế nhưng không làm chị nao núng, nản lòng. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", chị vẫn miệt mài tỷ mẫn, vun vén sản phẩm sao cho độc đáo, hữu dụng và duyên dáng nhất vì đây là ưu điểm lớn mà một sản phẩm tái chế mang lại.

Thành công xây dựng thương hiệu

Hiện nay, sản phẩm của SOI handmade được bán các kênh trực tuyến như youtube, shopee, Etsy, Zalo, Facebook; đồng thời, tích cực tham gia vào các phiên chợ xanh, phiên chợ thân thiện môi trường và các phiên chợ thủ công tại Hội An; hiện nay cơ sở kinh doanh chính của SOI handmade tại Làng chài Tân Thành, Cẩm An; tại đây, thương hiệu SOI handmade được du khách trong và ngoài nước đón nhận, yêu mến. Năm 2023, dự án khởi nghiệp SOI handmade - phụ kiện thời trang từ vải vụn đã đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tại Quảng Nam.

Những năm đầu kinh doanh trung bình doanh thu mỗi năm khoảng dưới 100 triệu đồng/năm, đến nay doanh thu dao động gần 400 triệu/năm. Ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế, chị còn hỗ trợ, tạo việc làm cho phụ nữ tại địa phương, cơ sở của chị hiện có thêm 1 lao động làm việc toàn thời gian và 5 lao động làm việc bán thời gian tại nhà.

Hiện nay, trong triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" chúng ta bắt gặp bóng dáng của cô gái Kim Soi với niềm đam mê "biến rác thành hoa" mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và góp phần tô đẹp thêm hình ảnh  người phụ nữ Việt Nam tự tin làm kinh tế.

Đinh Thị Nhân

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 3
Hôm nay 449
Tháng này 4492
Tổng truy cập 449076