Thứ 2 Ngày 29 tháng 04 năm 2024

NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA CỰU NỮ TÙ CHÍNH TRỊ TẠI NHÀ LAO HỘI AN

23/12/2023 10:02:33      121 lượt xem

Hòa cùng không khí toàn Đảng toàn quân toàn dân lập thành tích chào mừng 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023); Hội LHPN thành phố Hội An tổ chức chương trình Giao lưu nhân chứng lịch sử nữ chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại Nhà lao Hội An.

Đây là dịp để cán bộ Hội hôm nay có thể hiểu thêm về truyền thống cách mạng của quê hương và càng khâm phục và trân trọng trước những mất mát, hy sinh của bao chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thông qua những câu chuyện của các nữ nhân chứng lịch sử từng bị tù đày tại Nhà lao Hội An.

Nhà lao Hội An, tên thường gọi là nhà lao Xóm Mới, lao xá Hội An, Trung tâm cải huấn Quảng Nam do đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai xây dựng từ năm 1960 đến năm 1975, tại đây từng là nơi diễn ra nhiều cuộc đấu tranh gan dạ, bền bỉ của đồng bào, chiến sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh lân cận trước các thủ đoạn, hành động tra tấn, đánh đập dã man, tàn bạo của kẻ thù. Trong nhà lao này, sức chứa tối đa của tổng số các phòng giam khoảng 500 người nhưng thực tế số lượng tù nhân bị giam cầm lên đến hơn 1.000 người gồm nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, kể cả người già và trẻ em. Trong đó, có rất nhiều nữ chiến sĩ bị bắt giam.

Là thế hệ phụ nữ trong thời chiến tranh loạn lạc, các bà các cô đã giác ngộ tham gia đấu tranh bảo vệ đất nước, không quản hy sinh mất mát. Dù bị địch bắt tra tấn và giam cầm, nhưng các nữ tù chính trị đã biến nhà tù của địch trở thành trường học cách mạng và bồi dưỡng ý chí đấu tranh, giành độc lập, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hoá 71 tuổi đã tự hào kể về tinh thần cách mạng của thế hệ nữ chiến sĩ tinh thần bất khuất, ý chí cách mạng kiên cường, bản thân bà tham gia cách mạng khi vừa tròn 13 tuổi, đã trải qua nhiều lần bị địch bắt tra tấn, giam cầm  ít nhất 1 tháng, lần nhiều nhất là 14 tháng. Bà Hóa nhớ như in: “Vào tối 25/9/1970 tôi tham gia cùng cơ sở dùng mìn đánh bọn biệt kích nhưng lần này không may tôi bị địch bắt tra tấn dã man hơn những lần trước, bọn chúng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, cảm hóa, dọa bắn nhưng tôi không khai. Đến tháng 3/1971 địch bịt mắt trói tôi dẫn về nhà trước mặt mẹ mình và bà con địch bảo: “Mấy hôm nay con Hóa đã khai ra hết cơ sở ở đây rồi, hôm nay nó dẫn chúng tôi về lấy tài liệu và chất nổ của nó giấu tại nhà, bà biết không? Địch vừa dứt lời, sợ mẹ và bà con lầm kẻ giặc, tôi liền nói: “Không đâu mẹ, con không biết gì cả, các ổng nói thêm đó”, tôi vừa dứt lời địch xông vào đánh tôi tới tấp bảo “Con này lắm mồm, lắm miệng, chất nổ, truyền đơn mày chôn cất ở đâu, chỉ mau không thì tao bắn chết”, 13 giờ cùng ngày địch dẫn tôi ra bãi cát Cẩm Thanh chúng đào một hố sâu chôn sống chỉ để lòi từ cổ lên, chúng dùng súng AR15 bắn uy hiếp buộc tôi khai, tôi lắc đầu; bọn chúng bàn nhau buổi tối dẫn tôi ra bờ sông bắn và xô xuống sông, tối đó bọn chúng đưa tôi ra bờ sông, nơi chúng vừa bắn  một đồng chí của ta, chúng dí súng vào hông tôi hô bắn, tôi cố thét thật to “Bớ bà con ơi, bọn chúng giết tôi rồi, đồ giết người vô nhân đạo, lũ giết dân vô tội” bọn chúng sợ bị lộ đánh tôi ngất lịm rồi đưa về Quận Hiếu Nhơn tiếp tục tra tấn, sau đó đưa vào Nhà lao Hội An và đưa tôi đi nhà giam Thiếu nhi Đà Lạt đến tháng 4/1972 tôi được thả tự do.

Bị giam tại Nhà lao Hội An, còn có bà Nguyễn Thị Hoè, sinh năm 1941, xã Cẩm Thanh; bà bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hội An từ tháng 8/1969, khi ấy bà còn đang để tang chồng (chồng bà là thôn đội trưởng, du kích hy sinh vào tháng 01/1969); bà đã phải dắt con gái 3 tuổi theo cùng và trải qua những ngày tháng cơ cực trong tù.  Bà Hoè xúc động kể: Tới bữa cơm, mỗi người tù được cấp một chén cơm, hai mẹ con cũng chỉ được một chén, tôi phải dành cho con, nữ tù có con nhỏ thì mỗi tháng chỉ được cấp một lon sữa, nhìn con thiếu thốn tôi càng thương con hơn, mẹ tù con phải tù oan, thân con cực khổ gian nan thảm sầu”.

Đến tháng 8/1970 bà được thả tự do về sống tại xã Cẩm Thanh và tiếp tục hoạt động cách mạng, không lâu sau vào tháng 01/1971 bà Hòe lại bị bắt giam vào Nhà lao Hội An mặc dù tra tấn dã man nhưng sự gan dạ của bà bọn địch đã quyết định đày bà ra Côn Đảo; bà nén đau thương gởi con lại cho đồng đội để đi biệt giam; nổi nhớ con da diết ở nhà tù Côn Đảo bà Hoè đã viết nên những câu thơ đầy xúc động:

“Hường ơi con nhớ má không

Trong tù má nhớ má trông ngày về

Mong sao cách mạng thuận bề

Hoà bình thống nhất má về bên con”

Năm 1975 khi nước nhà thống nhất, bà Hoè được trả tự do, điều mong ngóng đầu tiên là mau chóng về Hội An để tìm gặp con gái, không chờ được xe đón, bà đã đi bộ từ sân bay Nước Mặn về Hội An thì được biết con gái đang làm đày tớ cho người ta, bà tìm đến ôm chầm lấy con gái vui mừng được trùng phùng với con gái sau bao năm tháng nhớ nhung.

 Bà Phạm Thị Thu 70 tuổi là thương binh, bà từng bị địch giam cầm tại Nhà lao Hội An trong suốt 6 năm (1969-1975) đã xúc động khi chia sẻ về quá trình hoạt động cách mạng và bị địch bắt tù đày. Khi ấy bà Thu chưa đầy 15 tuổi dưới tên gọi là Phạm Thị Hà bà đã tham gia hoạt động để tránh tai mắt của địch, trong một lần đưa tin không may bà bị địch bắt và trải qua những trận đòn tra tấn dã man “thừa sống thiếu chết” nhưng bà vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng; không khai thác được thông tin gì từ bà, bọn địch giam bà tại Nhà lao Hội An, thời gian sau bọn địch chọn bà làm trật tự Nhà lao, ban đầu bà không dám nhận vì sợ mang danh phản bội Tổ quốc, tuy nhiên được tổ chức cách mạng thống nhất bà đã nhận nhiệm vụ làm trật tự để dễ giúp đỡ đồng đội trong Nhà lao trao đổi thông tin; bà hoạt động trong Nhà lao với vai trò Bí thư chi đoàn thanh niên Hội An tuyên truyền vận động các tù chính trị kiên cường không khuất phục trước kẻ thù, chống đối địch khi bị đàn áp; tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, tham gia đấu tranh chính trị đòi quyền dân sinh dân chủ. “Hoạt động trong tù đòi hỏi chúng tôi phải bí mật, khôn khéo mới có thể qua mắt được bọn địch, bọn chúng tàn ác, tra tấn đánh đập dã man lắm, nhưng niềm tin quyết thắng là động lực để chúng tôi những người tù chính trị vượt qua tất cả”, bà Thu tâm sự.

Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, nhưng vết thương cùng những kỷ niệm của những cựu nữ tù chính trị tại Nhà lao Hội An khó có thể xóa nhòa. Câu chuyện của các nữ nhân chứng lịch sử đã giúp thế hệ cán bộ, hội viên phụ nữ hôm nay càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương Hội An và nâng cao tinh thần trách nhiệm, có những hành động thiết thực, ý nghĩa tri ân những đóng góp của các nữ chiến sĩ cách mạng Hội An.

Xuân Liên

 

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 3
Hôm nay 557
Tháng này 4600
Tổng truy cập 449184