Chủ nhật Ngày 19 tháng 05 năm 2024

Những người phụ nữ trồng quật cảnh ở Thanh Hà

24/12/2019 10:31:59      692 lượt xem

Tháng Mười một âm lịch, giữa những cơn gió mùa đông bắc và từng đợt mưa hối hả, làng quật Thanh Hà (Hội An) lại rộn ràng bước vào vụ thu hoạch, chuẩn bị cung cấp hàng ngàn cây quật cảnh ra thị trường. Cây quật ngày càng được ưu chuộng, được hầu hết các gia đình chọn trang trí vào dịp Tết Nguyên đán, cây quật từ đó cũng đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận nông dân Thanh Hà, cung cấp cho nhu cầu tại chỗ và đi đến các thị trường miền Trung, Tây Nguyên.

Thủ phủ trồng quật ở Hội An, ngoài Thanh Hà còn có Cẩm Hà, Tân An với các hộ làm quật nổi tiếng được nhiều người biết đến. Chính những vùng đất cát khô cằn nhất của thành phố Hội An lại là nơi thích hợp trồng cây quật. Chăm quật cũng như “chăm con”, “nuôi” cả năm để đến cuối năm thu về thành quả lao động xứng đáng với giọt mồ hôi mặn chát đã đổ ra. Công đoạn nuôi trồng quật khá gian nan, vất vả, đòi hỏi ở đàn ông thì dùng sức mạnh để khiêng chậu, làm đất, vào chậu…  và sự tỉ mỉ, cần mẫn của người phụ nữ trong suốt quá trình chăm cây. Cây quật tuy chịu thời tiết khắc nghiệt, nắng mấy cây cũng chịu được, chỉ cần tưới ngày 2 đến 3 lần; nhưng đến mùa lạnh, mưa, sương thì cây rất “khó ở”, đây là thời điểm cây “đổ bệnh” nấm, rụng lá, rụng trái… Việc lặt bỏ bông, trái nhỏ để cây ra quả đúng thời điểm, sai trái, canh cơi để cây ra lá non... là cả một quá trình thai nghén vất vả của người nông dân để cho ra những chậu quật Tết “vượng” theo quan niệm của nhiều người, báo hiệu may mắn, phát tài, đại cát trong một năm mới.

          Tất cả những công việc đó đều cần đến bàn tay của những người phụ nữ xứ quật, họ suốt ngày quanh quẩn bên gốc quật, bận rộn như “chăm con mọn”. Đến Thanh Hà, những người phụ nữ trồng quật được nhiều người biết đến có thể kể đến như chị Trang, chị Phượng, chị Phúc, chị Hoa… Sau một năm vun trồng, chăm bón, cây quật đến độ sai quả, chín ươm vàng và lá xanh mơn mởn. Quật được trồng trong chậu, cắt lá tỉa cành, tỉa thành những thế quật vừa mang tính nghệ thuật lại vừa rất phù hợp phong thuỷ mỗi ngôi nhà. Các cây từ nhỏ cho đến lớn đều phù hợp để vào chậu: nhỏ thì có quật mini để bàn, loại trung và loại đại đều được lựa chọn để trang trí nhà. Đặc điểm phân biệt quật Hội An là “quật thế” chứ không phải “quật cột” như của miền Bắc, hoặc một số địa phương khác.

          Những ngày giáp Tết là thời gian cao điểm những người bán buôn các tỉnh gần xa đổ về Hội An, tìm đến những nhà quật có tiếng để lựa và mua vài trăm chậu quật chờ đến cận Tết chở đến các chợ hoa. Khi những chiếc xe tải nối đuối nhau chở hàng ngàn chậu quật đi ra khỏi đất Hội An, mùa xuân đã về rất gần với mọi người. Hình ảnh cây quật trong ngày Tết đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi, tựa như phải có “bánh chưn xanh và câu đối đỏ”. Những chậu quật vươn mình trong đất cát cằn khô là minh chứng cho sự vươn lên không biết mệt mỏi của con người, của những người phụ nữ cần cù chịu thương chịu khó. Và với một mong muốn qua hết những ngày lo toan, bươn chải cuộc sống thường ngày để đón một cái Tết trọn vẹn yêu thương. Nhìn một chậu quật xanh lá, lộc non, trái vàng ươm chín mọng, hoa trắng li ti mới nở thoảng chút hương thầm, lòng người không tránh khỏi cảm giác hân hoan của mùa xuân mới và tràn đầy niềm tin về một tương lai tươi sáng.

          Thu Trang (Hội LHPN phường Thanh Hà)

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 1
Hôm nay 27
Tháng này 2947
Tổng truy cập 452231