Chủ nhật Ngày 19 tháng 05 năm 2024

Những người phụ nữ gắn bó với nghề “Hến” Cẩm Nam

27/03/2019 14:28:19      270 lượt xem

Cẩm Nam là một vùng đất bồi, được bù đắp bởi phù sa của dòng sông Thu Bồn. Khoảng hơn trăm năm nay, con người trên vùng đất này sinh ra và lớn lên đều gắn với con sông, bến nước, gắn với chiếc thuyền, cái ghe, từ nghề sông nước đến ra khơi biển lớn. Xuôi theo dòng thời gian, con “Hến” của vùng đất này đến nay vẫn luôn được giữ vững và duy trì.

Đến với thành phố Hội An thơ mộng, nhân tình với những ngôi nhà rêu phong, trầm mặc, bên dòng sông Hoài thơ mộng thì phải đến với những món ăn đặc sản nơi đây. Nói về hương vị của phố cổ trầm tích, không thể không nói đến các đặc sản của vùng đất bồi Cẩm Nam bên dòng sông Thu Bồn. Trong đó, món “Hến” Cẩm Nam là một trong những món “đặc sản” mà ai ai cũng phải nếm qua một lần khi đến với vùng đất này. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là mỗi dịp cuối tuần, dịp lễ, Tết, chỉ cần chạy xe qua cầu Cẩm Nam, hàng chục hàng quán “Bánh đập - Hến xào” ven đường Nguyễn Tri Phương đều dày đặc xe và người xếp hàng để được thưởng thức.

Ảnh: Món bánh đập - hến xào nổi tiếng của Cẩm Nam

Cẩm Nam là một vùng đất bồi, được bù đắp bởi phù sa của dòng sông Thu Bồn. Khoảng hơn trăm năm nay, con người trên vùng đất này sinh ra và lớn lên đều gắn với con sông, bến nước, gắn với chiếc thuyền, cái ghe, từ nghề sông nước đến ra khơi biển lớn. Xuôi theo dòng thời gian, con “Hến” của vùng đất này đến nay vẫn luôn được giữ vững và duy trì. Mặc dù cuộc sống thay đổi, đời sống con người được nâng lên, nhưng người dân ở nơi đây vẫn gắn bó với con “Hến”, gắn bó với chiếc thuyền, chiếc cào, với cái rổ, để duy trì và giữ gìn ẩm thực dân dã nhưng cũng hết sức đậm đà từ “Hến”.  

Điều đặc biệt những người đã và đang gắn bó, duy trì và nghề “Hến” phải kể đến những người phụ nữ, tập trung tại khối phố Hà Trung. Những người phụ nữ nơi đây, mặc dầu tuổi nay đã lớn, ai cũng đã qua cái tuổi 50, 60, dù bao đổi thay, từ cuộc sống đến công việc, biết bao thế hệ đi qua, thay da đổi thịt từ cuộc sống nông thôn lên thành thị, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn yêu, vẫn gắn bó để có thể giữ được nghề làm “Hến”, giữ được con “Hến” trước cuộc sống bộn bề ngày nay. Những người ấy có thể kể đến đầu tiên là bà Huỳnh Thị Có, năm nay đã gần 65 tuổi nhưng gia đình bà đã gắn bó với nghề này gần 30 năm, hai vợ chồng nuôi 7 đứa con trưởng thành cũng từ những rổ hến, những gánh hến. Có thể kể thêm là bà Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Cam, Trần Thị Ba, Huỳnh Thị Đèn.

Ảnh: Một phụ nữ đang đãi hến

Để có được những con hến to, ngon, những món hến xào, những tô nước hến ngọt cấy, đòi hỏi người làm phải siêng năng, cần cù từ chiều hôm nay đến sáng sớm ngày mai. Việc cào hến từ sông là công việc của những người đàn ông. Sau khi hến được “cào” từ sông về, công việc đầu tiên là phải rửa “hến” cho thật sạch trước khi ngâm để nấu, người ta hay gọi là “đãi hến”. Công việc này đòi hỏi người làm phải khéo léo, kĩ càng và phải ngâm mình dưới sông, dùng các loại rổ để có thể sàng ra sạn đá hay các loại khác trộn lẫn trong hến. Hến thường được nấu vào lúc 1, 2 giờ sáng đến 4,5 giờ sáng là có thành phẩm. Công đoạn nấu hến và lọc hến, tách ruột hến từ vỏ là một công đoạn vất vả nhất, công việc này chỉ có phụ nữ làm được, yêu cầu sự tỉ mỉ, dẻo dai, nhịp nhàng với đôi bàn tay cứng rắn để có thể cào những con hến ra khỏi cái vỏ sau khi được nấu xong.

Ảnh: Những người phụ nữ đang hăng say lao động với nghề

Nghề “hến” là một nghề đặc biệt, từ con hến, vỏ hến đến nước nấu từ hến đều được dùng. Nước nấu từ hến mang một vẻ ngọt riêng có, không giống vị nào, nó có thể dùng để nấu canh với các loại rau. Ruột hến của vùng đất này rất nhỏ, có vị thơm, ngon đặc trưng không nơi nào có được. Có thể làm hến xào ăn với bánh tráng, dùng để nấu canh với các loại rau trong vườn, làm thanh cơm hến, bún hến... Vỏ hến được người ta tận dụng lại để làm vôi.

Những người phụ nữ thầm lặng vẫn kiên trì, bám đất bám sông để duy trì cái nghề hến này. Họ vẫn ở đó, những người phụ nữ ấy, vẫn ngày đêm cào hến, đãi hến và mang những con hến đến với du khách, đến với khách phương xa. Thiết nghĩ, nếu như không có những người phụ nữ ấy, những con người ấy, không biết liệu rằng con hến có thể còn biêt đến nữa hay không, liệu rằng mỗi du khách khi đến với Hội An có thể tìm thấy con hến ở đâu, muốn nếm thử vị hến thì sẽ đi nơi đâu tìm..

Khi được hỏi về những trăn trở, băn khoăn về nghề hến, bà Huỳnh Thị Có đã nói “Ai làm gì làm, ai thay nghề, thay đổi quê hương, riêng tôi và gia đình tôi, luôn gắn bó với hến, chắc có lẽ đó là duyên số, dù có vất vả, khó khăn nhưng tôi vẫn yêu cái nghề này, quyết tâm gắn bó với nó đến khi không còn sức làm nữa mà thôi”. Những câu nói ấy tuy giản dị mộc mạc ấy nhưng cũng chứa đựng đầy cả những suy nghĩ trăn trở của cả một thế hệ người làm hến của Cẩm Nam.

Cùng với định hướng phát triển của Cẩm Nam và thành phố Hội An, một dự án khu du lịch sinh thái: Cồn Hến đang được manh nha tại vùng đất bồi này. Những người phụ nữ ấy vẫn đang mong mỏi dự án ấy có thể đi vào thực tế, để họ có cơ hội duy trì cái nghề vất vả này, để họ có cơ hội giới thiệu được cái nghề, con Hến đến với nhiều người hơn, nhiều du khách hơn.

Trong cái xô bồ của dòng đời, bao nhiêu thế hệ đã đi qua, biết bao nhiêu con người từ giã cái nghề vất vả này để đi tìm cho mình một cuộc sống mưu sinh khác, thì chỉ có những người phụ nữ ấy, vẫn luôn giữ mãi, quyết tâm gắn bó mãi. Bây giờ muốn ăn “Hến”, chắc có lẽ phải về Cẩm Nam, về Hà Trung, về tìm những người phụ nữ ấy, thì chúng ta mới có thể tìm thấy được con Hến với cái vị ngọt ngọt bùi bùi ấy. Những người phụ nữ ấy, họ xứng đáng được gọi là nghệ nhân giữ gìn nghệ thuật ẩm thực dân gian từ những con “Hến” nhỏ bé của quê hương Cẩm Nam.

                                               Nguyễn Thị Huyền Liên - Chủ tịch Hội LHPN phường Cẩm Nam

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 2
Hôm nay 21
Tháng này 2941
Tổng truy cập 452225