Người dân khối Tân Thịnh phường Cẩm An không ai là không biết chị Đinh Thị Thu, người phụ nữ năng nổ việc cộng đồng, đảm đang việc nội trợ. Trước đây bản thân chị làm đủ mọi công việc từ buôn bán bánh ven đường đến lao động chân tay nặng nhọc nhưng thu nhập không đáng là bao, không đủ trang trải cho gia đình, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Không còn cách nào khác hơn, từ cái khó, cái cực nhọc đã thôi thúc chị cần phải tìm một nghề gì đó đem lại thu nhập ổn định và giải quyết được kinh tế gia đình để có tiền nuôi con ăn học. Qua việc tìm tòi học hỏi từ những người đi trước, chị đã lựa chọn nghề nấu rượu nuôi heo, cái nghề tưởng chừng đơn giản và quen thuộc ấy nhưng lại khó khăn đối với chị, bởi lúc bấy giờ dịch bệnh ở heo xảy ra liên miên. Mỗi lần như vậy chị lại chạy vạy nhiều nơi để tìm hiểu thêm kinh nghiệm, từ sách báo, từ đồng nghiệp, đặc biệt là sự giúp đỡ nhiều mặt của Hội Nông dân phường và thú y viên. Dần dần chị thành thạo và am hiểu hơn về các loại thuốc để phòng ngừa dịch bệnh, từ đó đã làm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho đàn heo của gia đình. Cái thuận lợi nhất là gia đình chị có mảnh đất vườn rộng tiện cho việc xây chuồng trại. Chị cũng ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường nên xử lý chất thải, đảm bảo quy trình trước khi thải ra ngoài. Việc này khiến cho mối quan hệ của chị với xóm giềng không bị ảnh hưởng như những hộ nuôi heo thông thường hay vướng phải.
Ảnh: Chị Thu phát quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Ban đầu vì chưa có vốn, chưa có kinh nghiệm nhiều nên quy mô chăn nuôi không lớn, chỉ khoảng 5 đến 10 con heo lấy thịt và nấu rượu bán khoản 20 lít rượu mỗi ngày. Thức ăn chủ yếu là tận dụng hèm rượu, nước cơm và thức ăn thừa của bà con xung quanh. Qua vài năm chăn nuôi, chị đã tích luỹ được kinh nghiệm, vốn liếng và thấy hiệu quả kinh tế thực sự đem lại cho gia đình nên quyết định đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng tất cả diện tích đất trong vườn để chăn nuôi, tăng số lượng lên 60 con, tăng việc nấu rượu lên 50 lít mỗi ngày để có hèm đảm bảo đủ cho đàn heo. Chị còn xây dựng hầm Biôga để xử lý phân, vừa giữ được vệ sinh môi trường, vừa có khí đốt phục vụ sinh hoạt gia đình và nấu thức ăn cho heo. Từ đó chị không còn tận dụng thức ăn thừa nữa vì mất nhiều thời gian thu gom và trong thức ăn thừa có nhiều tạp chất dễ phát sinh dịch bệnh, thức ăn chính của đàn heo bây giờ đã tự cung, tự cấp đầy đủ gồm hèm rượu, cám gạo và rau lang trồng quanh nhà.
Ảnh: Chị Thu (áo trắng) trong một lần đi làm từ thiện
Qua 10 năm gắn bó với nghề, chị đã gần như thành thục các triệu chứng trên đàn heo và tự điều trị, đối với những bệnh hiếm gặp, không rõ cách điều trị thì điện thoại hỏi người có chuyên môn như thú y viên hoặc phòng Kinh tế thành phố để được hướng dẫn cách điều trị, nhờ vậy mà dịch bệnh hầu như không xảy ra, ít tốn chi phí điều trị, mỗi tháng chị xuất chuồng 20 con heo thịt, mỗi ngày bán ra 50 lít rượu. Riêng rượu của chị nấu có ngày không đủ để bán, ngay cả các địa phương khác như Cẩm Châu, Điện Dương cũng đến lấy rượu. Thấy mô hình làm ăn của mình ngày càng có hiệu quả, chị đã trực tiếp hướng dẫn cách nấu rượu, nuôi heo cho một số bà con nông dân xung quanh và hỗ trợ kinh phí mỗi hộ từ 2 đến 3 triệu đồng để họ mua vật dụng, con giống. Sau đó chị gom rượu của họ để bỏ lại cho bạn hàng. Chính sự san sẻ và giúp đỡ cộng đồng mà uy tín và mối hàng của chị ngày càng mở rộng. Tình cảm xóm giềng cũng ngày càng gắn bó với nhau.
Từ sự mày mò, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều năm làm nghề nấu rượu nuôi heo, cùng với việc buôn bán rượu gạo tại nhà mà đời sống kinh tế gia đình chị đã trở nên khá giả, thu nhập trung bình mỗi năm hơn 200 triệu đồng, tích luỹ xây dựng nhà cửa khang trang, có điều kiện trả nợ, chăm lo 3 con ăn học và chăm sóc mẹ già. Không quên những tháng ngày thuở còn hàn vi, chị đã trích ra 10% số tiền tích luỹ hằng năm để hỗ trợ quỹ khuyến học, giúp đỡ trẻ em mồ côi, những mảnh đời bất hạnh trong và ngoài thành phố. Ngoài ra, chị còn là người đi đầu trong công tác vận động chị em HVPN cùng nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ những phụ nữ nghèo, đơn thân, bị bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, chính trại heo của chị cũng đã giải quyết việc làm cho 2 lao động là 2 chị phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng mỗi người/tháng.
Những năm gần đây, để đảm bảo môi trường phát triển đô thị, chị đã nghỉ nghề nấu rượu nuôi heo và hiện nay chuyên kinh doanh đại lý cám gạo. Công việc làm ăn ngày càng phát triển, số tiền hỗ trợ giúp đỡ cũng càng lúc càng tăng lên gấp bội. Hai năm trở lại đây, mỗi năm chị dành khoản tiền từ 150 đến 200 triệu đồng từ thu nhập buôn bán để tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Đối tượng giúp đỡ là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ già cả ốm đau, chị em phụ nữ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em có thành tích học tập khá giỏi… Trong năm 2018, thông qua sự vận động của Hội phụ nữ phường Cẩm An, chị tặng 40 suất quà trị giá hơn 16 triệu đồng cho hội viên phụ nữ khó khăn xã Cẩm Kim bị thiệt hại hoa màu trong lũ và nhân dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất; chị cũng đã hỗ trợ Hội phụ nữ phường trong các hoạt động trao tặng phương tiện sinh kế, sửa chữa nhà, tặng quà, đỡ đầu cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn gần 50 triệu đồng. Hiện nay chị Thu đang nhận đỡ đầu cho 50 trường hợp với tổng số tiền 20.000.000đ/tháng.
Với suy nghĩ “cho đi là còn mãi”, nhiều năm qua, chị luôn đóng góp vào nguồn quỹ “Heo đất lòng vàng” của địa phương để giúp xây dựng Mái ấm tình thương cho những người phụ nữ không may mắn trong cuộc sống. Năm 2018, chị đã đóng góp quỹ “Heo đất lòng vàng” của Hội LHPN Phường Cẩm An 10.000.000đ. Hưởng ứng chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, chị ủng hộ Hội LHPN tỉnh Quảng Nam 10.000.000đ và ủng hộ Hội LHPN phường Cẩm An 2.000.000đ.
Ngoài ra, để làm tốt hơn hoạt động vì cộng đồng trên địa bàn toàn thành phố Hội An, chị cùng một số bạn bè thành lập Hội thiện nguyện “Bếp cơm từ thiện Hạnh ngộ” để kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân nhằm hỗ trợ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Năm 2018, Bếp cơm của chị đã trao 49 suất học bổng với tổng trị giá hơn 180 triệu đồng và đỡ đầu 9 trường hợp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, mỗi suất từ 300.000-500.000đ/tháng; không chỉ trao tại Hội An mà còn đến những xã lân cận, những huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam.
Chị luôn đồng hành, gắn kết cùng tổ chức Hội phụ nữ trong các hoạt động bởi trước đây tôi đã từng có thời gian 4 năm tham gia làm chi hội trưởng phụ nữ và rất được bà con nhân dân, chị em HVPN tin yêu, quý mến; chị còn là một “Địa chỉ tin cậy” tại khối phố Tân Thịnh và mô hình này hoạt động có hiệu quả, hạn chế tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn.
Bản thân chị luôn nổ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, biết đứng dậy sau vấp ngã để tạo dựng một cuộc sống mới, no ấm và hạnh phúc. Chăm lo phụng dưỡng mẹ già và các con học hành đến nơi đến chốn, chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo. Gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định tại địa phương, tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ tại địa bàn khu dân cư, tham gia đóng góp các khoản thu hàng năm, luôn quan tâm giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi gặp khó khăn hoạn nạn, gia đình luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình 5 không 3 sạch hàng năm. Bản thân chị không ngừng học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, luôn thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh; tích cực hưởng ứng phong trào “tiết kiệm xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”, “hũ gạo tình thương” và cuộc vận động Rèn luyện phẩm chất phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”. Nhiều năm liền chị Đinh Thị Thu được công nhận là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp phường rồi cấp thành phố, đặc biệt 3 năm gần đây chị được bình bầu là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; năm 2014, chị được trao tặng danh hiệu Gương điển hình tiên tiến 5 năm; danh hiệu Phụ nữ tiêu biểu xuất sắc năm 2018.
Nhìn lại những kết quả mà chị đã nỗ lực đạt được, niềm hạnh phúc không chỉ là tự giải thoát cho mình ra khỏi cảnh đói nghèo mà còn giúp đỡ và mang đến ấm no nhiều người xung quanh. Đến nay có thể khẳng định ý chí vượt qua khó khăn, tinh thần dám nghĩ dám làm và sự nổ lực phấn đấu không mệt mỏi trong lao động đã giúp chị từ hai bàn tay trắng đến có cuộc sống đầy đủ, sung túc và góp phần chia sẻ những khó khăn với những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống.
Nguyễn Thị Xuân Liên - Chủ tịch Hội LHPN phường Cẩm An