Thứ 5 Ngày 21 tháng 11 năm 2024

Nghị lực của người nữ thanh niên xung phong ngày ấy và bây giờ

26/08/2019 09:08:05      304 lượt xem

Nhìn vóc dáng thanh mảnh của cô Diệp Thị Vui, không nghĩ rằng ngày ấy mới 14 tuổi chị đã xung phong đi mở đường, đối mặt với đạn bom quân thù.

 

Cô sinh ra và lớn lên ở Duy Xuyên, năm 1966 chị vào chiến trường tham gia thanh niên xung phong, đến năm 1967 theo nhu cầu điều động của chiến trường cô chuyển sang đội vận chuyển thuyền E220 Quân khu V để vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược. Tuy vóc người nhỏ nhắn, nhưng cô gái trẻ ngày ấy khi làm nhiệm vụ thì vô cùng dũng cảm và nhanh nhẹn, thật không thể kể hết những khó khăn vất vả bấy giờ, sống ở trong rừng, thiếu thốn đủ thứ, rồi những cơn sốt rét rừng hành hạ, mái tóc dài suông mượt rụng thưa dần, vậy mà ngày ngày chị cùng đồng đội vận chuyển lương thực thực phẩm, đạn dược tiếp tế cho bộ đội đánh giặc.

Trong dòng hồi ức của mình, cô luôn cảm thấy tự hào và cho đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời mình. Trong Quân đội ngoài việc vận chuyển lương thực, đạn dược, cô còn là y sĩ trực tiếp chăm sóc và cứu chữa cho thương binh. Dù ở nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành tốt công việc được phân công, được đồng đội yêu quý.

Hòa bình lập lại, cô vẫn ở lại đơn vị để tham gia bảo vệ Tổ quốc. Năm 1980, cô đã quen và cưới chồng là người cùng đơn vị. Đến năm 1982, do điều kiện sức khỏe, hai vợ chồng cô nghỉ mất sức lao động và quyết định ra Cù Lao Chàm lập nghiệp. Mới ngày đầu ra đảo, cuộc sống hai vợ chồng rất khó khăn, chồng đi biển, cô thì làm nghề khám chữa bệnh cho bà con nơi đây. Với lòng nhiệt tình và trách nhiệm cô được bầu làm chủ tịch Hội Phụ nữ kiêm trưởng trạm y tế xã Tân Hiệp. Cuộc sống của cô sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn nếu cô được làm mẹ. Nhưng không, cô đã không thể làm mẹ bởi di chứng của chiến tranh, cả cô và chồng chị đều bị nhiễm chất độc da cam, hai lần mang thai chị đều bị sảy thai. Sức khỏe của cô càng giảm hơn sau hai lần sảy thai đó.

Năm 1995 cô quyết định thôi giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hiệp để cùng chồng vào đất liền sinh sống và có điều kiện chữa bệnh. Mang trong người nhiều bệnh tật thêm vào đó là căn bệnh tiểu đường nhưng cô lại phải chăm sóc cho chồng bị bệnh nan y do nhiễm chất độc da cam. Trải qua muôn vàng khó khăn trong cuộc sống nhưng luôn thấy cô lạc quan, yêu đời. Có lẽ trong chiến tranh đã tôi luyện cho người phụ nữ này một sức mạnh, chính sức mạnh này đã giúp chị không gục ngã trước số phận mà phải vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nổi buồn càng chồng chất khi năm 2005 chồng cô mất, không còn người để bầu bạn, để chia sẻ, để chăm sóc. Đối với người phụ nữ thì đó là sự mất mát lớn nhất. Sau đó, cô tham gia và tìm thấy niềm vui trong công tác xã hội, làm Bí thư chi bộ Khối Tân Mỹ, đến năm 2008 cô tham gia làm Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong phường Cẩm An để làm cầu nối giữa những thanh niên xung phong với nhau, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Là người Chủ tịch Hội, cô luôn quan tâm chăm lo công tác nghĩa tình đồng đội, luôn thăm hỏi động viên những hội viên. Hàng năm đều tích cực vận động quyên góp tiền để tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm. Cô tâm sự “Tuy cuộc sống có những khó khăn nhất định nhưng một số cựu thanh niên xung phong khác có những hoàn cảnh éo le hơn, rất cần sự động viên chia sẻ, do vậy tôi luôn muốn làm tốt vai trò của mình để góp một phần đảm bảo cuộc sống cho các hội viên”.

Có thể nói, cuộc đời chông gai không bằng phẳng của cô là bài học đáng giá cho thế hệ nữ thanh niên bây giờ. Được sống trong hòa bình, được thừa hưởng đầy đủ những thành quả của xã hội, được phát triển một cách toàn diện thì phải ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.

Nguyễn Thị Xuân Liên (Chủ tịch Hội LHPN Phường Cẩm An)

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 5
Hôm nay 1174
Tháng này 25238
Tổng truy cập 1044127