Thứ 4 Ngày 11 tháng 12 năm 2024

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống Hội

27/03/2019 10:10:44      859 lượt xem

Công tác thi đua, khen thưởng có vai trò quan trọng, vừa là mục đích, vừa là động lực thúc đẩy các phong trào và các hoạt động của Hội ngày càng phát triển; là biện pháp để các cấp Hội triển khai tổ chức thực hiện một cách nhanh nhất và hiệu quả các chỉ tiêu, các phong trào, các cuộc vận động mà các cấp Hội đề ra.

Trong những năm qua công tác thi đua, khen thưởng luôn được các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Hằng năm, sau khi có Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch phát động thi đua, nội dung thi đua, giao ước thi đua, tổ chức triển khai thực hiện đều khắp các địa bàn, các cấp Hội; bám sát kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Thông qua công tác thi đua, khen thưởng đã khích lệ, động viên kịp thời đội ngũ cán bộ Hội các cấp, các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh tích cực thi đua, hăng hái tham gia các hoạt động góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua khen thưởng trong các cấp Hội chất lượng thật sự chưa cao, việc đánh giá, xét chọn danh hiệu thi đua có nơi chưa đảm bảo các tiêu chí, vẫn còn hình thức, chưa thật sự đổi mới, sáng tạo trong công tác thi đua khen thưởng. Để công tác thi đua, khen thưởng thật sự trở thành động lực, đồn bẫy, thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian đến các cấp Hôi LHPN trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Hội LHPN thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Nghiên cứu đầy đủ các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng, các tiêu chí đánh giá, xếp loại để chỉ đạo triển khai thực hiện đúng, đủ, đảm bảo chất lượng. Tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua trong các cấp Hội cần bám sát cácđịnh hướng chỉ đạo, các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm của Hội cấp trên, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu gắn với nhiệm vụ chính trị của  địa phương. Xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua cho phù hợp, sát với tình hình thực tế của từng cấp Hội. Cần lựa chọn những vấn đề ưu tiên, tập trung chỉ đạo để phát động thi đua. Đồng thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua và sử dụng nhiều hình thức, biện pháp trong tổ chức thi đua; khơi dậy, khích lệ lòng nhiệt huyết, tinh thần hăng say của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua thi.

Trong lãnh đạo tổ chức phát động phong trào thi đua, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, sâu rộng, có trọng tâm, thời gian cụ thể, đạt chất lượng cao, tạo sự lan tỏa cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Hai là, lãnh đạo Hội LHPN các cấp cần phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Đây được xem là giải pháp then chót quan trọng nhất, có tính quyết định đến công tác thi đua khen thưởng mà các cấp Hội cần quán triệt để thực hiện có chất lượng hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong năm. Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Hội phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng. Nhận thức được trách nhiệm, sự nổ lực, ý thức của mỗi cán bộ Hội các cấp đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi nó phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do đó, Hội LHPN các cấp cần phải quán triệt đội ngũ cán bộ Hội nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác thi đua, khen thưởng.
Công tác thi đua, khen thưởng phải đúng thực chất, đánh giá, xếp loại đảm bảo các tiêu chí theo quy định, tránh hiện tượng khen thưởng tràn lan, không trọng tâm, không đúng đối tượng. Các cấp Hội, đặc biệt là Chủ tịch Hội LHPN các cấp cần xác định công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi cán bộ Hội cần xác định tư tưởng thi đua, vai trò trách nhiệm, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ công tác, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.
Công khai, dân chủ ở tất cả các khâu trong công tác thi đua, làm tốt việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến; có hình thức, bước đi, cách làm phù hợp, triển khai thực hiện nghiêm túc ở cả ba khâu: phát hiện, xây dựng và nhân rộng điển hình. Đồng thời, đấu tranh phê phán, khắc phục những biểu hiện lệch lạc như ganh đua, hơn thua, cay cú, thiếu trung thực, bệnh thành tích trong thi đua.
Phát huy tốt công tác thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, vững mạnh toàn diện.
Ba là, cần tạo sự thống nhất về tư tưởng trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống Hội.
Việc thống nhất cao về tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, các phong trào của Hội nói chung và công tác thi đua, khen thưởng nói riêng đóng vai trò quan trọng. Nó chính là “bộ não” có tác dụng điều khiển tạo nên động lực phấn đấu của mỗi cấp Hội, của từng cán bộ, hội viên phụ nữ, là tiền đề cơ bản quan trọng nhất trong việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Vì vậy để công tác thi đua, khen thưởng phát huy tính tác động tích cực, cần có sự thống nhất cao về mặc tư tưởng, thể hiện tính nhất quán, thông suốt, rõ ràng và đúng đắn trong đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt trong tập thể lãnh đạo Ban Chấp hành mỗi cấp. Cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trên triển khai, chỉ đạo quyết liệt, dưới triển khai cầm chừng, hoặc có làm nhưng làm nữa vời, làm cho có.
Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phải thật sự đoàn kết, thống nhất cao, trách nhiệm, thảo luận, bàn bạc tìm những giải pháp hữu hiệu triển khai thúc đẩy phong trào thi đua, công tác thi đua, khen thưởng chất lượng hiệu quả, đồng bộ. Nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN các cấp đối với công tác thi đua, khen thưởng, sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi nó phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung đã đề ra.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua.
Để tập hợp, thu hút đông đảo cán bộ, các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia phong trào thi đua, thực hiện có hiệu quả mục tiêu thi đua đề ra, các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, cho ai cũng nắm và hiểu rõ mục đích, rõ nội dụng và việc cần làm nhằm tạo sự đồng thuận, động viên, khích lệ mọi người hăng hái, tích cực, phấn khởi tham gia. Cán bộ Hội hăng hái thực hiện trước và vận động hội viên, phụ nữ cùng thi đua. Chính điều đó tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ, huy động sức mạnh tổng hợp và nguồn lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Cần coi trọng việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rông điển hình, những nhân tố mới, người tốt, việc tốt và có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các điển hình là tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa tại địa phương, trong hệ thống Hội. Điển hình tiêu biểu là kết quả, là sản phẩm của các phong trào thi đua, là những tấm gương sinh động để giáo dục, thu hút mọi người tích cực tham gia thi đua, là nghệ thuật lấy phong trào chỉ đạo phong trào phát triển thành cao trào mạnh mẽ. Thông qua đó rút ra những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt cho việc thúc đẩy phong trào.
Việc phát hiện điển hình là việc làm hết sức công phu đòi hỏi người lãnh đạo của các cấp Hội cần đi sâu, đi sát với phong trào, thông qua phong trào để phát hiện những điển hình tiên tiến. Khi phát hiện điển hình thì cần bồi dưỡng điển hình ngày càng hoàn thiện. Bồi dưỡng điển hình bằng nhiều hình thức như giao nhiệm vụ kết hợp với động viên, khích lệ đặt ra mục đích yêu cầu cao để họ phấn đấu. Tránh tình trạng áp đặt, chủ quan muốn tạo ra điển hình, khắc khe trong xây dựng điển hình hay đề cao quá mức phản tác dụng.
Tổ chức các hình thức truyền thông nhân rộng điển hình thông qua đài phát thanh, truyền thanh, truyền hình, sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề tại chi, tổ Hội hoặc tọa tàm, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để mọi người học tập làm theo.
Năm là, tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua.
Vấn đề mấu chốt trong công tác sơ, tổng kết phong trào thi đua, đợt thi đua là đánh giá rút ra những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, chọn được những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, khen thưởng đúng mức, động viên mọi người phấn đấu tích cực hơn nữa. Đây là biện pháp quan trọng không thể thiếu trong tổ chức thi đua, nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Trong quá trình khen thưởng phải đảm bảo chính xác, nếu không sẽ phản tác dụng và mất phong trào. Cần lưu ý việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần tiến hành thường xuyên, kịp thời để động viên tinh thần, làm cho những tập thể, cá nhân được khen phấn khởi, khích lệ để nuôi dưỡng điển hình ngày chất lượng, có sức sống và sự lan tỏa nhanh.
Đây là một số nội dung, giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay. Phát huy tốt vai trò công tác thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp mới trong việc xây dựng tổ chức Hội LHPN các cấp ngày vững mạnh và phát triển.

Trương Thị Lộc - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam

Nguồn: http://hoilhpn.quangnam.gov.vn

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 4
Hôm nay 203
Tháng này 12622
Tổng truy cập 1068783