Thứ 3 Ngày 17 tháng 09 năm 2024

Vai trò của các cấp Hội và hội viên, phụ nữ góp phần xây dựng thành phố sáng tạo

22/08/2024 10:42:48      35 lượt xem

Là một thành phố nhỏ nhưng Hội An luôn mang tính quốc tế từ trong quá khứ cho đến hiện tại. Từ bao đời nay các yếu tố văn hoá được hội nhập Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây, trải qua trong quá trình giao lưu, tiếp biến rồi ngưng đã tạo nên một nét riêng rất độc đáo.

Theo thời gian, các di sản do tiền nhân sáng tạo được bao thế hệ con người Hội An giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả, giữ cái hồn khu phố cổ và cả cốt cách, lối sống sinh hoạt, giao tiếp trong ứng xử và lao động sáng tạo của người dân phố Hội “nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu” đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.

Và chính những nét đặc trưng ấy đã tạo nên một nét đẹp văn hoá của Hội An vừa là nền tảng và cũng là tiền đề sáng tạo nên những giá trị mới nhằm xây dựng thành phố phát triển năng động, giàu bản sắc hiện đại và bền vững. Hội An đã lựa chọn lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian để tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”, bởi đây là những thành tố quan trọng của văn hoá Hội An, đồng thời đây cũng là mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hoá và con người phố hội.

Ngày 31/10/2023 vừa qua, Hội An được UNESCO công nhận là đại diện tiếp theo của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Đây là một vinh dự lớn và niềm tự hào của người dân Hội An nói riêng và Quảng Nam, Việt Nam nói chung và là cơ hội để quảng bá sự đa dạng về văn hoá của một thành phố nhỏ giàu tiềm năng sáng tạo trên con đường hội nhập và phát triển.

Để góp phần đạt được thành quả mà UNESCO công nhận đó, thời  gian qua, toàn thành phố đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, không ngừng sáng tạo, tạo nét độc đáo, riêng biệt của Hội An để có nhiều sản phẩm du lịch dịch vụ thu hút du khách mà trong đó nghề thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian phát triển vừa góp phần tạo sinh kế, giải quyết lao động việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, có vai trò của các cấp Hội và hội viên, phụ nữ thành phố tích cực tham gia sáng tạo, miệt mài lao động trên các lĩnh vực đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng thành phố sáng tạo.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội phụ nữ các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nói chung và cán bộ, HVPN nói riêng chấp hành các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước gắn với chủ trương chung của thành phố trong định hướng phát triển du lịch, dịch vụ và đặc biệt là trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản phố cổ Hội An với 1.400 di tích kiến trúc nghệ thuật trong đó có 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, mỗi di tích đều diễn ra hoạt động hằng ngày của người dân từ sinh hoạt đến làm kinh tế, hoạt động văn hoá và xã hội vì thế khu phố cổ được xem là một “bảo tàng sống” được người dân nói chung và HVPN nói riêng luôn gìn giữ và phát huy giá trị di sản thông qua các sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó, Hội vận động chị em tích cực tham gia các hoạt động sự kiện lớn mang tầm quốc tế, quốc gia, tỉnh, thành phố và địa phương như: Liên hoan âm nhạc Quốc tế ASEAN;Những ngày văn hoá Hàn Quốc tại Hội An; giao lưu văn hoá Hội An- Nhật Bản; Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam; Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và Thế giới; Liên hoan ẩm thực quốc tế; Hội An, năm du lịch quốc gia- Quảng Nam điểm đến du lịch xanh; Festival cảm xúc mùa hè, giỗ tổ nghề may, nghề mộc, nghề gốm, lễ cầu bông, ngày hội bắp nếp, ngày hôi quật cảnh và các hoạt động văn hoá dân gian hát bài chòi được tổ chức biểu diễn hằng đêm trong khu phố cổ. 

Không chỉ dừng lại công tác tuyên truyền, vận động, Hội còn động viên chị em tham gia học các nghề truyền thống, qua đó góp phần phát huy và gìn giữ làng nghề truyền thống của gia đình và địa phương mang một bản sắc văn hoá riêng của từng làng nghề. Hiện Hội An được hội tụ 50 nghề thủ công truyền thống, trong đó có một số nghề nổi tiếng được công nhận là Di sản văn hoá vật thể quốc gia như: làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế và đèn lồng Hội An và các nghề khác chưa được công nhận như may mặc, làng củi lũ, làng tre dừa Cẩm Thanh…đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có hội viên phụ nữ. Thông qua các hoạt động, chúng ta thấy trên từng lĩnh vực đều có bóng dáng của các cô, các chị phụ nữ vẫn miệt mài lao động sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú để giới thiệu và trình diễn cho du khách như:

 Đến với làng gốm Thanh Hà một làng nghề truyền thống bao đời với hơn 500 năm, hằng ngày được các nghệ nhân lao động sáng tạo và truyền lại cho con cháu đời này sang đời khác, điển hình như chị Trần Thị Tuyết Nhung ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà về làm dâu nhà anh Lâm là một gia đình 6 đời làm nghề gốm gia truyền. Chị Nhung được cố nghệ nhân Nguyễn Thị Được và chồng (anh Lâm) chỉ dạy học làm gốm, theo thời gian với lòng đam mê yêu nghề và quyết tâm học hỏi mày mò, sáng tạo chị đã tạo ra nhiều sản phẩm gốm đẹp. Năm 2019, chị đạt giải nhất chế tác sản phẩm gốm tại Lễ hội giỗ tổ nghề gốm phường Thanh Hà; năm 2022 chị đạt giải nhì trong hội thi chế tác sản phẩm gốm trực tiếp và được UBND thành phố Hội An công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đối với sản phẩm Bình gốm hoa nổi thạch bích; năm 2023 chị đạt giải khuyến khích tại hội thi sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ do thành phố Hội An tổ chức với bộ sản phẩm đèn lồng Hội An. Năm 2023 chị Tuyết Nhung và chị Nguyễn Thị Thuỷ ở Thanh Hà được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam công nhận danh hiệu Thợ giỏi. Đến nay, cả hai chị không chỉ là người thợ giỏi mà còn quyết tâm muốn lan toả tình yêu từ đất sét của mình để có thể vừa làm vừa dạy truyền lại nghề gốm cho người dân ở địa phương.

Đối với nghề đèn lồng, đến với phố cổ du khách có thể nhìn thấy những chiếc đèn lồng đẹp, lung linh riêng biệt của Hội An, qua bàn tay tỉ mỉ, mắt thẩm mỹ và sự sáng tạo các chị đã không ngừng cho ra nhiều sản phẩm mang hình dáng độc lạ được trang trí trên mọi góc phố, từng con đường, các nhà hàng khách sạn đều lung linh, rực rỡ đa sắc màu và đặc biệt năm 2019 Hội An đã hợp tác tổ chức Lễ hội đèn lồng tại thành phố Wernigrode, Cộng Hoà Liên Bang Đức qua đó đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm đèn lồng thủ công của người dân phố Hội đến với bạn bè quốc tế, tiêu biểu trong nghề như: Chị Thanh - cơ sở sản xuất đèn lồng Thanh Thư, chị Hà Linh ở Cẩm Châu một trong những bàn tay vàng với hơn 20 năm kinh nghiệm làm và dạy nghề truyền lồng đèn cho hàng trăm phụ nữ.

Trên lĩnh vực may mặc, nghề may đo áo quần Hội An được mệnh danh là nghề may nhanh thần tốc, chỉ trong vài giờ đồng hồ du khách có thể trải nghiệm dịch vụ may đo cho mình bộ vest hay chiếc đầm hoàn chỉnh đẹp để mặc, may nhanh nhưng chất lượng hoàn hảo, thẩm mỹ đến từng đường kim mũi chỉ, giá thành lại hợp lý được nhiều du khách đến mua sắm, trải nghiệm.Với đôi bàn bàn tay khéo léo và ý tưởng sáng tạo các chị đã thiết kế nhiều bộ sưu tập đẹp điển hình như: chị Quỳnh shop thời trang Yaly, Chị Toàn shop Be Be, chị Thuỷ -Á Đông silk…vv các chị đã tạo nên nhãn hiệu riêng cho shop của mình, được nhiều tạp chí quốc tế và trang Tripadvisor bình chọn đánh giá cao, từ đó nghề may đo nhanh đã góp phần tạo nên thương hiệu sản phẩm dịch vụ du lịch tại Hội An và giải quyết hàng ngàn lao động việc làm cho phụ nữ thành phố.

Bên cạnh đó, Hội phụ nữ đã tham gia Hội khởi nghiệp thành phố và vận động chị em tích cực tham gia thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp với nhiều sản phẩm Occop bản địa của địa phương mang nhãn hiệu 3 sao, 4 sao như hạt ngũ cốc mẹ Mít, mẹ Tép, Phúc hoa hồng… ngày càng được nhiều khách hàng và người tiêu dùng biết đến góp phần tạo nên các sản phẩm Occop của địa phương đa dạng và phong phú. Ngoài ra, năm 2022 Hội phụ nữ thành phố cũng đã sáng tạo và mạnh dạn đề xuất với tổ chức UNDP/GEF phê duyệt và tài trợ kinh phí để thực hiện mô hình du lịch học tập cộng đồng tại xã Cẩm Kim, trong đó có việc vận động người dân, HVPN bảo tồn giá trị văn hoá bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại xã và tổ chức lại không gian các làng nghề truyền thống ở nông thôn như: mộc Kim Bồng, đóng sửa tàu thuyền, đan chiếu.…vv.

          Với những hoạt động nêu trên, chúng ta có thể thấy được vai trò của tổ chức Hội và hội viên phụ nữ thành phố trong thời gian qua đã tích cực tham gia các sự kiện lễ hội của thành phố gắn với hoạt động Hội và nhiệm vụ chung của thành phố. Qua đó, đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, lao động của chị em trên các lĩnh vực góp phần chung vào sự phát triển của thành phố và trên con đường Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật dân gian nói riêng thúc đẩy sự phát triển, tạo mối liên kết giữa Hội An với các thành phố trong mạng lưới, cũng như các tổ chức toàn cầu.

 

                                                                   Tuyết Nhung- Hội LHPN thành phố Hội An

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 29
Hôm nay 651
Tháng này 115910
Tổng truy cập 913146