Tết Trung thu - Tết của đoàn viên
Tết Trung thu không chỉ đơn thuần là một ngày để trẻ em vui chơi, mà còn là một ngày quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc trong lòng mỗi người dân Việt. Đây là dịp để khơi dậy tình cảm gia đình và tạo nên những kỉ niệm đáng nhớ. Trong ngày này, không chỉ có trẻ em mà cả gia đình cùng quây quần bên nhau, tạo dựng một không gian ấm cúng và tràn đầy yêu thương.
Phong tục Tết Trung thu ở Việt Nam bao gồm các hoạt động như múa lân, đốt pháo hoa, rước đèn lồng, trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn truyền thống như bánh Trung Thu, trà, rượu và trái cây. Gia đình cùng nhau sum họp, quây quần bên nhau bày cỗ và phá cỗ.
Hương vị trung thu qua những chiếc bánh
Dường như hương vị Tết Trung thu được gói gọn trong những chiếc bánh. Bánh trung thu sử dụng các nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đậu xanh, dừa, hạt sen, mè, mứt trái cây… Bánh Trung thu không chỉ là món ăn ngon mà còn mang ý nghĩa gửi gắm sự sum vầy, đoàn kết và tình yêu thương gia đình trong mùa Trung thu.
Bánh Trung thu truyền thống có bánh dẻo và bánh nướng. Bánh trung thu dẻo có hình dáng vầng trăng tròn biểu tượng cho sự đoàn viên cộng thêm màu trắng ngà của bánh thể hiện tình yêu khăng khít của vợ chồng. Bánh nướng mang ý nghĩa là dù ta có trải qua bao khó khăn trong công việc thì vẫn luôn có người thân bên cạnh, chở che ta. Nhân bánh mặn, ngọt, đủ vị thể hiện sự ấm áp, ngọt ngào của gia đình bên ta.
Ngoài ra, bánh trung thu hình tròn thể hiện cho hình dáng của vầng trăng trong ngày rằm tháng tám biểu trưng cho sự vẹn nguyên, đủ đầy sự đoàn tụ viên mãn. Bánh hình vuông đại diện cho hình dáng trời đất, sự tự do và hạnh phúc của con người.
Những cô gái trẻ góp thêm hương vị Trung thu
Tháng 8 mùa thu, tìm đến xưởng làm bánh, thật khó để cưỡng lại thứ hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những chiếc bánh mới ra lò. Bên cạnh những nguyên liệu gần gũi, bình dị từ cốt bánh trung thu cổ truyền. Ngày nay, song song với hương vị truyền thống, bánh trung thu hiện đại ra đời như với đa dạng kiểu dáng; nhân bánh cũng đặc sắc bởi sự phát triển không ngừng của nhịp sống hiện đại và đổi mới trong nguyên liệu; đáp ứng linh hoạt nhu cầu thưởng thức, biếu tặng của mọi người. Từ cách làm truyền thống, ngày nay những chiếc bánh đã được thay áo mới, với ngoại hình bắt mắt, đầy sáng tạo.
1. Tiệm bánh Duy Hải - Chiếc bánh từ niềm yêu con trẻ
Tìm đến Tiệm bánh Duy Hải tại Cẩm An gặp cô chủ nhỏ Trần Dương Huyền Trâm vào dịp này càng thấy không khí trung thu xông lên nức nở bởi những mẻ bánh thơm lừng mới ra đời. Để phát triển kinh tế gia đình, Trâm cùng chồng học nghề bánh và mở cửa tiệm kinh doanh đến nay cũng gần 10 năm.
Cho đến năm 2016, nhận thấy thị trường bánh trung thu khá nhiều loại, giá thành khác nhau. Với mong muốn mang đến cho trẻ em địa phương những chiếc bánh vừa ngon, vừa an toàn lại vừa hợp túi tiền của người lao động. Chị Trâm đã bàn với chồng nghiên cứu công thức và cho ra đời sản phẩm bánh trung thu hấp dẫn với các loại nhân như: thập cẩm trứng muối, khoai môn, đậu xanh, sữa dừa, trà xanh, đậu đỏ, hạt sen, sầu riêng. Giá thì phù hợp với mức tiêu dùng, chỉ tầm 30 đến 50 nghìn đồng, tuỳ theo các loại nhân. Bánh đặc biệt ở chỗ không dùng phẩm màu, không chất bảo quản và an toàn thực phẩm. Hiện nay, tiệm bánh Duy Hải còn bán các loại bánh mì, bánh ngọt các loại, bánh sand wich, bánh hambuger, pizza và một số loại bánh âu khác.
Chị Trâm tâm sự "Tiệm bán bánh trung thu đa phần dành cho trẻ nhỏ. Do đó, bên cạnh sự hấp dẫn ở bề ngoài thì làm sao chất lượng và an toàn là điều mình quan tâm nhất. Hương vị trung thu trong những chiếc bánh là cả tâm huyết, niềm vui đặt vào đó. Mong rằng, tất cả mọi người, nhất là trẻ em đều được hưởng trọn vẹn cái đầm ấm, ngọt ngào như những chiếc bánh trung thu".
2. Mẹ Tép - bánh trung "thuần chay"
Hiện nay, sản phẩm thương hiệu “I Am Nuts” của Mẹ Tép tại Cẩm Châu không xa lạ gì với thị trường ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp và các dòng bánh ăn kiêng. Đặc biệt, để chiều lòng thượng khách, trong dịp trung thu này, cơ sở còn cho ra lò những mẻ bánh trung thu với nhiều điều hấp dẫn. Một chiếc bánh nướng bên trong là hạnh nhân, bí đỏ, gừng đỏ, chanh, hạt sen, lá chanh, đường tảo, đường nâu, mè đen hòa quyện vào nhau. Đó là bánh trung thu nhân thập cẩm hạt Mẹ Tép.
Ngoài ra, xưởng còn có các loại bánh với nhân hạt sen, đậu xanh và khoai môn. Nhân sánh dẻo, thơm ngon được phủ bên ngoài lớp vỏ chắc nịch vàng ươm. Tất cả các loại bánh trung thu đều giảm 70% độ ngọt, dành cho người ăn kiêng, không phẩm màu và vị ngọt thanh nhẹ từ đường mật mía. Giá mỗi chiếc bánh từ 70 - 80 nghìn đồng. Đây là sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu hiện nay của đa số thực khách thích bánh trung thu nhưng không hảo ngọt.
Khởi nghiệp thành công từ các loại hạt ngũ cốc dinh dưỡng, chị Trần Thị Hồng Vâng luôn sáng tạo trong kinh doanh với những hướng đi mới và cho ra đời những sản phẩm đầy tâm huyết. Chị chia sẻ "Biết tôn trọng, lắng nghe và nhận biết nhu cầu thực khách là điều góp phần tạo nên thành công bước đầu của mỗi sản phẩm. Cũng nhờ thế mà nhiều khách hàng tìm đến Mẹ Tép và tôi cũng sẽ cố gắng từng ngày để không làm thực khách thất vọng". Với sự nổ lực không ngừng, cùng với niềm đam mê và sáng tạo, sản phẩm Mẹ Tép sẽ vươn tầm đi xa.
Với tình yêu, niềm đam mê của mình, các cô gái trẻ đã góp thêm hương vị trung thu giúp các em có được những chiếc bánh trung thu đậm đà như là “một khúc nhạc được hát lên bởi trái tim của người phụ nữ”.
Đinh Thị Nhân - Hội LHPN phường Cẩm An