Thứ 2 Ngày 20 tháng 05 năm 2024

Phụ nữ Hội An đẩy mạnh tương tác đa chiều, đa dạng hóa các kênh, sản phẩm truyền thông theo hướng hiện đại, hiệu quả

25/02/2019 08:38:01      215 lượt xem

Nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong việc định hướng thông tin cho cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp phụ nữ tiếp nhận và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm công tác của Hội trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay. Vì vậy những năm qua, Hội LHPN Hội An từng bước thay đổi, ngày càng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền theo hướng vừa kế thừa

Trước hết, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội, BCV, TTV, LLNC và HVPN thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, các dịp sinh hoạt dịp 8/3, 19/5, 28/6, 20/10...; đa dạng hóa hoạt động truyền thông tại cơ sở thông qua hội thi, hội diễn, ngày hội, rung chuông vàng, chiếc nón kỳ diệu, đố vui, hái hoa dân chủ, truyền thông nhóm... thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Ở hình thức tuyên truyền này, Hội không truyền đạt “một chiều” mà tạo phương pháp tương tác qua lại giữa người nói và người nghe nhằm tránh sự nhàm chán khiến người nghe thiếu tập trung. Tận dụng công nghệ thông tin như trình chiếu powerpoint, video clip, hình ảnh, ghi âm… bài báo cáo sẽ được hệ thống hóa qua biểu đồ, slide, màu sắc, cỡ chữ phù hợp, các con số thống kê rất dễ theo dõi. Từ những hình ảnh sinh động, những video clip trực quan sinh động, thực tế đã giúp báo cáo viên, tuyên truyền viên tương tác với người nghe thuận lợi hơn, cũng như chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa mang tính giáo dục sâu sắc.

Ảnh: Truyền thông tiểu phẩm "Niềm vui từ Heo đất"

Bên cạnh đó, Hội cũng đã duy trì và phát huy thế mạnh của chuyên mục phát thanh; phát hành Thông tin Hội hàng quý; đặc biệt Hội chú trọng xây dựng nhiều tiểu phẩm truyền thông tại cơ sở về bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, biến đổi khí hậu, hiến pháp, an toàn thực phẩm, thực hành tiết kiệm theo gương Bác... với nhiều tên gọi như: “Phước Lộc Thọ thời nay”, “Vua đầu rác”, “Chuyện nhỏ chuyện to”, “Sản xuất, chế biến, tiêu dùng - Bạn đời chung”, “Niềm vui từ heo đất”... Đây được xem như một cách tuyên truyền gần gũi và hiệu quả nhất khi những câu chuyện đời thường, những vấn đề được xã hội quan tâm... được đội Tuyên truyền viên thành phố thông qua diễn xuất đã phản ảnh một cách sinh động, đậm chất phong trào với các làn điệu dân ca ngọt ngào đậm đà xứ Quảng. Riêng clip tiểu phẩm “Sản xuất, chế biến, tiêu dùng - Bạn đời chung” đã đạt giải Ba loại hình ý tưởng sân khấu hóa trong cuộc thi “Ý tưởng truyền thông an toàn thực phẩm” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.

Để một tiểu phẩm ra mắt với CB, HVPN, Thành Hội thường thai nghén ý tưởng trong một thời gian dài, sau đó tiến hành thu thập số liệu, nội dung, tài liệu có liên quan; khi đủ độ chín mùi, sẽ bắt tay vào viết kịch bản sơ bộ. Qua nhiều lần chỉnh sửa, thẩm định, sẽ triển khai họp đội hình diễn viên, phân vai phù hợp với kịch bản. Cũng có đôi lúc, tác giả “đo ni đóng giày” vai diễn đó cho diễn viên vì qua nhiều lần tập, biết được sở trường, chất giọng, diễn xuất của diễn viên đó để khâu thử vai được diễn ra nhanh chóng, diễn viên dễ dàng nhập vai, rút ngắn thời gian tập luyện. Trong quá trình tập, vì các diễn viên đều là cán bộ hội, nên bằng kinh nghiệm công tác, thường sẽ có sự điều chỉnh kịp thời trong câu chữ nếu phát hiện ra những điều không phù hợp; cũng như trong lời nói, điệu hát... Các nghị quyết, các nội dung tuyên truyền không còn là câu chữ khô khan mà đã trở thành những điệu lý, hò, vè đậm chất Quảng, đi vào lòng người mượt mà, sâu lắng, dễ nhớ; bên cạnh đó là chút hài huyên dáng, nhí nhảnh tạo tiếng cười nhẹ nhàng cho người xem.

Ảnh: Tiết mục văn nghệ tại Hội thi Phó Chủ tịch Hội cở sở tài năng năm 2018

Mỗi tiểu phẩm thường là một kế hoạch dài hơi, lưu diễn ít nhất một lần tại mỗi xã, phường, trung bình mỗi tiểu phẩm diễn không dưới 10 lần; vì thế, chúng tôi chỉ triển khai mỗi năm từ một đến hai tiểu phẩm để đảm bảo chất lượng, khai thác tối ưu thế mạnh của loại hình sân khấu dân gian thành một trong những hình thức truyền thông. Những tiểu phẩm chúng tôi kể trên có thể nói đã đóng đinh tên tuổi các diễn viên cán bộ hội, là thương hiệu của Hội LHPN Hội An, được CB, HVPN thường xuyên nhắc đến. Không chỉ được CB, HVPN thể hiện sự quan tâm, yêu thích mà được lãnh đạo thành phố đánh giá cao, biểu dương và khuyến khích.

Hình thức tuyên truyền tiếp theo được Thành Hội áp dụng xuất phát từ thực tế tỷ lệ tập hợp HVPN giai đoạn hiện nay đang có nhiều khó khăn, đặc biệt càng khó khăn hơn trong điều kiện của một thành phố phát triển về du lịch, dịch vụ với lực lượng lao động nữ chiếm trên ...%; hơn nữa, trong thời kỳ nhà nhà, người người sử dụng smartphone truy cập mạng xã hội, sử dụng facebook để giao lưu, chia sẻ, kết bạn với nhau... Nhận thấy việc đa dạng hóa các kênh, sản phẩm truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tương tác đa chiều với HVPN là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu. Chính vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đã chủ động ra mắt trang fanpage Phụ nữ Hội An để chuyển tải các thông tin hoạt động và kêu gọi HVPN trên địa bàn thành phố tham gia các cuộc vận động do các cấp Hội phát động. Thành công của Hội là vừa áp dụng công nghệ để giới thiệu hoạt động Hội, phong trào phụ nữ vừa nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền nhằm tương tác nhiều hơn với HVPN trên địa bàn thành phố. Riêng năm 2018, Hội đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí thiết kế và nhân dịp 20/10, Thành Hội khai trương Trang thông tin điện tử với tên miền www.phunu.hoian.gov.vn với tổng kinh phí 20 triệu đồng.

Cách làm này không quá tốn kém về mặt thời gian, tiết kiệm nguồn nhân lực mà còn hiệu quả trong việc tuyên truyền cùng lúc có thể chia sẻ nhiều thông tin và tương tác với nhiều người một cách nhanh nhất. Đồng thời việc cập nhật hình ảnh, nội dung cũng như cách thức hoạt động từ chi, tổ đến Hội LHPN xã, phường và thành phố thông qua internet và mạng xã hội, người dân hoặc HVPN ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể xem được, nghe được những nội dung mà tổ chức Hội muốn chuyển tải đến các tầng lớp phụ nữ toàn thành phố. Kết quả đã tạo liên kết tương tác với hàng nghìn người truy cập, chia sẻ và đồng hành với những đợt vận động lớn do Trung ương Hội phát động như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hoặc hoạt động “Giải cứu dưa hấu” Phú Ninh, cũng bằng hình thức này, Hội An đã tạo nên những đợt sóng lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, phụ nữ để mọi người nắm được, hiểu được và ủng hộ nhiệt tình.

Chúng tôi nhận thấy rằng, những tin, bài đăng tại fanpage Phụ nữ Hội An luôn nhận được sự quan tâm của CB, HVPN. Tuy lượt like (thích) của fanpage chỉ ở con số khiêm tốn gần 800 nhưng mức độ lan tỏa của thông tin là vô hạn. Có những tin, bài, hoặc những đợt kêu gọi nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận, đó chính là thành công bước đầu của việc “đưa tổ chức Hội đến gần với HVPN”. Tin, bài phản ảnh hoạt động của Thành Hội đăng tại website Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, website thành phố Hội An và các website khác, chúng tôi đều chia sẻ liên kết (share link) để thông tin được đến với nhiều người hơn. Vì thế, những bài viết của Phụ nữ Hội An đều có lượt view (xem) nhiều hơn so với các bài viết khác, vừa tăng tính tương tác cho fanpage, vừa quảng bá rộng rãi website của tổ chức Hội; đó là yêu cầu cơ bản của thời đại công nghệ khi chúng ta áp dụng công nghệ để công nghệ phục vụ lại cho mục đích của chúng ta.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy tốt tương tác đa chiều này, vận động tăng lượt thích vượt qua con số hàng ngàn để tiếp cận với CB, HVPN và người dân nhiều hơn nữa. Đối với website phunu.hoian, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện giao diện một cách khoa học, chuyên nghiệp và cập nhật thông tin mang tính thời sự hơn, nâng cấp để website hoạt động ổn định, truy cập dễ dàng, nhanh chóng với mong muốn trở thành trang web được yêu thích của đông đảo CB, HVPN.

Việc đăng tải tin, bài về hoạt động của các cấp Hội trên địa bàn thành phố còn là cách chúng tôi theo dõi thi đua, công khai rõ ràng các hoạt động, qua đó có sự so sánh, cân nhắc giữa các địa phương, đơn vị. Các cơ sở Hội từ đó cũng có cái nhìn toàn diện hơn, có thể học hỏi, tham khảo hoạt động của đơn vị bạn; đồng thời tự đối chiếu các hoạt động để có sự nhìn nhận khách quan.

Trước yêu cầu của cuộc sống hiện đại đòi hỏi công tác Hội cũng phải có sự thay đổi trong cách thức tuyên truyền, truyền thông theo hướng hiện đại nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả. Tuy bước đầu có những thay đổi nhưng bản thân chúng tôi thấy để đem lại hiệu quả tích cực, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề ra những giải pháp như sau:

1. Phải nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ Hội về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, vận động; đưa công tác tuyên truyền nghị quyết, chương trình, kế hoạch theo quan điểm “Tuyên truyền là một bộ phận rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị”. 

2. Củng cố đội ngũ báo cáo viên, tăng cường lực lượng tuyên truyền viên cơ sở theo hướng lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực thực sự với số lượng hợp lý; thực hiện phương châm “Mỗi cán bộ hội là một tuyên truyền viên”.

3. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, các ban, ngành gắn tuyên truyền với các phong trào thi đua ở đơn vị, cơ sở. Nhất là chủ động tuyên truyền gương điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

4. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, truyền thông theo hướng hiện đại, hiệu quả; áp dụng và phát huy vai trò của công nghệ vào công tác tuyên truyền cũng như công tác Hội nhằm đem lại hiệu quả tối ưu nhất.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng những cách làm, mô hình hay trong công tác tuyên truyền; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

Trần Thị Thu Hòa - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hội An

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 3
Hôm nay 280
Tháng này 3459
Tổng truy cập 452743