Ảnh: Các bác nông dân tham gia Chợ phiên Hội An
Năm 2014, Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An” được triển khai với mô hình đầu tiên là Vườn rau hữu cơ Thanh Đông. Với khẩu hiệu Cộng đồng khỏe - Nông dân vui, rau ở đây được trồng không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, giống biến đổi gen, chất kích thích, nên rau rất sạch, thân thiện với môi trường. Kể từ khi thành lập đến nay vườn rau đã sản xuất và cung ứng rau hữu cơ đạt chứng nhận PGS cho nhà hàng, trường học, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và người dân tại thành phố Hội An và các vùng lân cận. Ngoài ra, vườn rau hữu cơ Thanh Đông còn là một điểm đến thu hút khách du lịch, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đến tìm hiểu học tập và tham quan trải nghiệm làm nông nghiệp.
Ảnh: Bác Mão dẫn cho các em sinh viên tham quan vườn rau
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông với sự tham gia của 10 hộ dân trong đó có 5 hộ do phụ nữ làm chủ hộ, với tổng diện tích canh tác hiện nay là: 12.373 m2. Các cô ở đây đa phần là cao tuổi, họ tham gia làm rau không chỉ ngoài mục đích kinh tế mà còn là tình yêu với nông nghiệp hữu cơ. Thông qua những buổi sinh hoạt phụ nữ , các buổi tuyên truyền tập huấn, được nghe về tác hại của thuốc trừ sâu, của phân hóa học, của thuốc kích thích tăng trưởng, chính từ đó đã làm cho những người nông dân thấy được mối nguy cơ đe dọa sức khỏe đến gia đình và cộng đồng xã hội vì thế các cô đăng ký tham gia dự án trồng rau sạch này, vừa có sản phẩm đảm bảo an toàn, vừa có điều kiện để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Trước khi có được vườn rau này các cô đều trải qua khóa huấn luyện 5 tuần với 15 buổi học về kỹ thuật canh tác hữu cơ trên cây rau, được các chuyên gia trực tiếp “cầm tay chỉ việc” ngay trên cánh đồng của mình. Nhóm hộ sản xuất này đã trồng đủ chủng loại rau, từ cải xanh, dền đỏ, rau húng, quế, ngò, hành, dưa leo cho tới bí đao, bí đỏ, khổ qua, búp su, cà rốt… Toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất trải qua nhiều công đoạn kiểm tra, giám sát kỹ, trước khi đưa ra tiêu thụ.
Trước đây khi chưa thành lập vườn rau này các cô ở đây chủ yếu làm vài đôi sào ruộng , nuôi dăm con gà, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thu nhập bấp bênh thế mà giờ đây họ chính là những hướng dẫn viên du lịch cộng đồng, những kỹ sư nông nghiệp thực thụ, kinh tế ổn định. Có được như vậy một phần nhờ vào sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì đô thị, UBND thành phố, Phòng Kinh tế Hội An, UBND xã Cẩm Thanh, các ban ngành đoàn thể hỗ trợ và sự chịu thương chịu khó của tập thể các hộ trồng rau ở đây. Vườn rau hữu cơ Thanh Đông ngoài phát triển nông nghiệp hữu cơ còn là điểm tham quan du lịch cho các du khách trong và ngoài nước và là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, du lịch trải nghiệm cho các tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái mới của Cẩm Thanh nói riêng và Hội An nói chung. Cô Xinh - một trong những hộ trồng rau nói: “Những ngày đầu khi mới hình thành làm vườn cực lắm, thời tiết thì khắc nghiệt, mưa to gió lớn; kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ chưa nắm bắt kịp, cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn còn hạn hẹp, còn lo cho tương lai không biết làm vườn có ổn định không”. Khó khăn là thế, nhưng với sự nổ lực hết mình của bà con, sự hỗ trợ của các đơn vị, ban ngành đoàn thể vườn rau hữu cơ Thanh Đông đến nay đã là một điểm cung cấp rau sạch, rau an toàn cho người dân thành phố, các cô đã khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ảnh: Các thành viên HTX Hữu cơ và du lịch Thanh Động nhận giấy khen trong hộinghị tổng kết 5 năm
Nằm trong chuỗi hoạt động của do Hội LHPN xã làm chủ dự án, trong thời gian qua Hội đã phối hợp với UBND xã Cẩm Thanh mở nhiều lớp tập huấn nhằm năng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, mở các thuyết minh viên cộng đồng cho các cô các chị tại vườn rau, tổ chức cho các chị được đi tham quan học tập tại Huế. Cùng với việc quảng bá sản phẩm ra thị trường các cô còn được tham gia các sự kiện như “Ngày hội phụ nữ sáng tạo, bảo vệ môi trường” do Hội LHPN thành phố tổ chức, tham gia chợ phiên Hội An, ngày hội “Bike to play” tại Cẩm Thanh, quảng bá rau hữu cơ tại lễ hội bắp nếp Cẩm Nam, tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm tại các trường học. Hằng năm, vườn rau đón nhiều đoàn đăng ký chọn vườn rau là điểm tham quan học tập kết nổi các sản phẩm OCOP như Hội LHPN Cẩm Thanh - Minh An, Hội LHPN Cửa Đại - Cẩm Nam, đoàn đại biểu hội thảo quốc tế đồng quản lý tài nguyên và môi trường, Hội nông dân thành phố Hạ Long. Các cô các chị trở thành những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp như cô Đinh Thị Xinh, Đinh Thị Tồn. Năm 2018, Vườn rau hữu cơ Thanh Đông được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu. Tháng 11 năm 2019 vườn rau hữu cơ chính thức trở thành hợp tác xã Hữu cơ và du lịch Thanh Đông.
Có thể nói HTX hữu cơ và du lịch Thanh Đông là một điểm sáng trong nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái của thành phố Hội An, trong đó có sự đóng góp không mệt mỏi của các hộ nông dân tại đây đã và đang cùng nhau hợp tác theo một phương thức không thuốc trừ sâu và không phân hóa học và họ đang tạo nên một sản phẩm nông nghiệp chất lượng, sạch và thân thiện với môi trường.
Thu Sinh