Hằng ngày, các cô ve chai với chiếc xe đạp, xe đẩy cũ kỹ vẫn rong ruổi khắp các con phố để thu mua phế liệu từ các hộ gia đình hoặc nhặt phế liệu từ các thùng rác, bãi rác... và chúng ta gọi đó là những người phụ nữ làm nghề ve chai - một công việc vất vả nhưng họ chính là những người hùng thầm lặng trong việc góp phần phân loại rác tại nguồn, hạn chế lượng rác thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.
Trên địa bàn thành phố Hội An hiện có hơn 100 chị phụ nữ làm nghề ve chai, từ buôn bán dạo đến làm chủ vựa thu mua, kết nối đội ngũ lao động trong lĩnh vực này. Năm 2013, sau khi dự án “Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hội An” được GEF/SGP hỗ trợ đã kết thúc và đem lại hiệu quả thiết thực trong cồng đồng, đặc biệt là lực lương lao động làm nghề ve chai và để duy trì hiệu quả hoạt động mô hình này, Hội LHPN thành phố Hội An đã khảo sát và ra mắt “Chi hội phụ nữ thu mua rác tái chế” có 40 chị phụ nữ tham gia với mục đích đồng hành, hỗ trợ những người phụ nữ nghề ve chai có điều kiện, phương tiện làm việc tốt hơn và quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay sinh kế để các chị duy trì và mở rộng quy mô kinh doanh, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình.
Với mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa để bảo vệ môi trường; đồng thời thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đến những người phụ nữ làm nghề ve chai trên địa bàn thành phố Hội An. Hội LHPN thành phố đã chủ trì phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (IUCN) và Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tổ chức hoạt động “Tôn vinh những người phụ nữ làm nghề ve chai” thành phố Hội An. Thông qua đó, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục HVPN và người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường; phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và rác thải nhựa; giúp mọi người thấu hiểu và chia sẻ với người lao động làm nghề ve chai. Là dịp để những chị em phụ nữ nghề ve chai trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, lan toả ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách của Nhà nước và tăng cường sự hỗ trợ từ các tổ chức, dự án cho lực lượng thu mua ve chai.
Những người phụ nữ làm nghề thu mua ve chai đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc quản lý chất thải của thành phố vì họ cung cấp dịch vụ thu gom và phân loại rác có thể tái chế. Đây cũng là nguồn lực quan trọng đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường và là những tuyên truyền viên hướng dẫn cho người dân phân loại và thu gom rác thải, biến rác thải trở thành nguồn tài nguyên tái sinh, giảm đáng kể việc ô nhiễm môi trường.
Đơn cử trong số những người phụ nữ làm nghề ve chai trên địa bàn thành phố Hội An phải kể đến cô Nguyễn Thị Tài, phường Minh An; cô Tài đã tham gia Chi hội phụ nữ thu mua rác tái chế do Hội LHPN thành lập từ năm 2014, với sự nỗ lực của bản thân, cô đã vươn lên thoát nghèo từ nghề ve chai, nuôi 3 con ăn học thành tài; cô Thân Thị Kim Phương là trưởng nhóm thu gom và phân loại tại Nhà máy xử lý rác thải của thành phố Hội An, hằng ngày cô cùng nhóm của mình phân loại được … kg rác vừa bán tạo thu nhập phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường. Hiện nay, cô Phương tạo điều kiện cho hơn 10 phụ nữ cùng làm nghề và cô cũng là người thu gom, chủ vựa ve chai lớn ở khu vực Hội An - Điện Bàn; chị Trần Thị Trường Viện, Cẩm Thanh là một phụ nữ trẻ đã chọn nghề thu mua ve chai để đảm bảo cuộc sống gia đình, chị còn là một hội viên phụ nữ tiêu biểu, tích cực trong việc tham gia hoạt động do Hội LHPN xã tổ chức; chăm sóc các tuyến đường hoa, tham gia dọn vệ sinh môi trường…
Công việc của những người phụ nữ ve chai tưởng chừng bình thường như bao công việc khác nhưng nó lại có tác động lớn đến nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác bảo vệ môi trường góp phần xây dựng Hội An thành phố du lịch xanh và thúc đẩy giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải trên địa bàn thành phố một cách thầm lặng như những người hùng thầm lặng cần được tôn vinh và nhân rộng.
Xuân Liên