Thứ 2 Ngày 20 tháng 05 năm 2024

Đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em nhìn từ những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam

03/07/2019 16:09:38      289 lượt xem

Bài viết của TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam giới thiệu về các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em- Khuyến nghị chính sách” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

Tổng quan chung: 

Quyền của phụ nữ và quyền trẻ em, hay nói cách khác là quyền con người được quy định trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Bảo vệ quyền của phụ nữ, của trẻ em được coi là mục tiêu trọng tâm trong phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ, đặc biệt từ sau Tuyên bố Nhân quyền Quốc tế 1948 có nhấn mạnh “Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt” (Khoản 2 Điều 25) (Liên hợp quốc, 1948).

Đảm bảo quyền và sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em được thể hiện nhất quán trong các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó khẳng định “tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người” là một trong những nhiệm vụ phải tập trung chỉ đạo thực hiện. Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư TW Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái.

Có thể thấy rằng, an toàn cho phụ nữ, trẻ em là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình, là sự phát triển bền vững của đất nước. Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Việt Nam với các giá trị cốt lõi hướng tới sự công bằng, bình đẳng và an toàn cho con người, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng được quan tâm đặc biệt, thể hiện rõ nhất trong Mục tiêu 5 và Mục tiêu 11. Bình đẳng giới và đảm bảo không gian an toàn sẽ tăng trao quyền cho phụ nữ thông qua thúc đẩy phụ nữ tiếp cận các nguồn lực và cơ hội, giúp thu hẹp khoảng cách giới, xây dựng bản sắc văn hoá, cộng đồng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Một không gian thiếu an toàn sẽ hạn chế khả năng tham gia học tập, lao động của phụ nữ và trẻ em, hạn chế sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ cơ bản cũng như tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Khi không gian sống của con người nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng, không được an toàn sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Do vậy, được sống trong không gian an toàn vừa là nhu cầu cơ bản, thiết thực, vừa là nhu cầu chiến lược cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, tại mọi quốc gia trên thế giới hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự an toàn và phát triển của phụ nữ và trẻ em hàng ngày, hàng giờ, ở mọi nơi, thậm chí ngay chính tại ngôi nhà của mình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị-xã hội, với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em gái, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Hội đặt trọng tâm nhiệm vụ vì quyền lợi của phụ nữ, của trẻ em gái với những hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của phụ nữ, của trẻ em. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017–2022) xác định “Lấy phụ nữ là trung tâm để xác định nội dung và phương thức hoạt động, ưu tiên các hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, tác động lớn đến đời sống của phụ nữ” (Hội LHPN Việt Nam, 2017c). Khoản 5 Điều 91 Luật trẻ em quy định trách nhiệm của Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam “...có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em thực hiện giám sát việc bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em”. Do vậy đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ emlà một nội dung quan trọng xuyên suốt trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội. Và năm 2019, Hội xác định chủ đề hoạt động của năm là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. 

Với cách tiếp cận dựa trên quyền và trên cơ sở tổng hợp số liệu, báo cáo hoạt động của Hội những năm gần đây, bài viết giới thiệu tổng quan các hoạt động của Hội góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em từ các góc độ thể chế, cá nhân, gia đình và cộng đồng; các vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai các hoạt động, từ đó, đưa ra một số đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

1. Hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em của Hội LHPN Việt Nam: 

1.1. Đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em từ góc độ thể chế thông qua nhiệm vụ tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội luật pháp, chính sách

Đây là mảng nhiệm vụ thể hiện rõ nhất chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em của tổ chức Hội, là một trong nhiệm vụ trọng tâm qua nhiều nhiệm kỳ, đến nhiệm kỳ 2017-2022 được xác định là khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”. Pháp luật về bình đẳng giới có quy định đảm bảo sự tham gia của Hội trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoặc Tổ soạn thảo đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có vấn đề giới (Nghị định 70/2008/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 17/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp). 

Đồng thời, Hội có đại diện được tham gia các hội nghị, cuộc họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp, được tham gia bàn bạc, thảo luận các vấn đề thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự tham gia vào các diễn đàn quan trọng chính là cơ hội, là quá trình để Hội chuyển tải, đề xuất mong muốn, nguyện vọng, các vấn đề của phụ nữ vào chính sách, pháp luật thông qua đề xuất các quy định pháp luật, các chính sách thiết thực, phù hợp góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Đề xuất chính sách cho phụ nữ luôn gắn liền với kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và ngược lại, đặc biệt hướng tới các nhóm phụ nữ đặc thù, yếu thế được Hội quan tâm, chú trọng. Trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, các cấp Hội đã đề xuất thành công 119 chính sách (Hội LHPN Việt Nam, 2017c), trong đó có một số chính sách quan trọng, mang lại lợi ích thiết thân cho phụ nữ như: tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 04 tháng lên 06 tháng (Bộ Luật lao động 2012); giảm số năm đóng bảo hiểm của cán bộ nữ chuyên trách cấp cơ sở từ 20 năm xuống 15 năm (Luật Bảo hiểm xã hội 2014); Hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách (Nghị định 39/NĐ-CP/2015)... Một số đề án đang được triển khai thực hiện theo cơ chế Chính phủ đặt hàng đã thể chế hoá các quy định pháp luật liên quan đến đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, như: Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017- 2027”; Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”...

Phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em được cấp Hội thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau.Trong 10 năm qua, đã có 63 luật, 03 pháp lệnh và 03 Nghị quyết được thông qua có tiếp thu ý kiến phản biện xã hội của Hội. Để có được kết quả đó, riêng giai đoạn 2014-2018, 21.832 hội nghị đã được cấp Hội tổ chức; 37.970 văn bản góp ý của Hội đã được gửi đến các cơ quan chức năng; 21.742 cuộc đối thoại trực tiếp của cán bộ, hội viên, phụ nữ với các cơ quan liên quan đã được tổ chức để đề xuất nội dung cụ thể vào các dự thảo văn bản quan trọng của địa phương, đất nước (Tổng kết báo cáo 5 năm thực hiện QĐ 217, QĐ 218 của Bộ Chính trị). 

Công tác giám sát được Hội thực hiện mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn từ khi có Quyết định 217-QĐ/TW, kịp thời phát hiện những sai sót, tồn tại, hạn chế trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến an toàn của phụ nữ, trẻ em, như: bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, luật trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động nữ, thai sản, nhà trẻ mẫu giáo, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách người có công... Trong 10 năm (2007- 2017), các cấp Hội đã chủ trì, phối hợp với các ngành thực hiện 18.917 đoàn giám sát (Báo cáo 03/BC-ĐCT-CSLP ngày 26/12/2017), trong đó chủ trì 9.767 đoàn (52%), phối hợp 9.150 đoàn (48%). Thông qua giám sát đã phát hiện 14.550 vụ việc vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, 11.485 vụ đã được cấp Hội kiến nghị giải quyết. Kết quả giám sát được sử dụng để phản biện xã hội và tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, đồng thời, kiến nghị giải quyết và lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em khi bị vi phạm quyền. 

Như vậy, thông qua quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội, các hoạt động được các cấp Hội triển khai đã tham gia hoàn thiện thể chế, góp phần bảo đảm an toàn, an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em bằng các quy định pháp luật, các chính sách phù hợp và việc thực thi hiệu quả các chính sách đó.

1.2. Đảm bảo an toàn thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao năng lực, kỹ năng của phụ nữ trong ứng phó và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ

Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ là cách thức tổ chức Hội thực hiện chăm lo, bảo vệ cho hội viên, phụ nữ. Mục tiêu chính là giúp phụ nữ có kiến thức, có khả năng, năng lực ứng phó và giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan, góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và cho con em của họ. Công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ được tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm phụ nữ, từng địa bàn, khu vực thông qua phong trào thi đua, các cuộc vận động, các chương trình, đề án, dự án. 

Ví dụ như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” (trong đó 5 không là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, có sức lan toả rộng khắp, được các cấp chính quyền địa phương công nhận, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân phụ nữ, gia đình và cộng đồng và là hành động để cấp Hội tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2016, đã có trên 13 triệu hộ gia đình hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn triển khai thực hiện. Các tiêu chí của Cuộc vận động đều hướng tới giúp phụ nữ được an toàn và cảm thấy được an toàn hơn trong gia đình và trong cộng đồng mình đang sống. Chẳng hạn, thực hiện tiêu chí “Gia đình không bạo lực”, các cấp Hội tập trung tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; thực hiện tư vấn hoặc kết nối tư vấn pháp luật cho phụ nữ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình nhằm hỗ trợ và bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em…

Cuộc vận động "Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ với nhiều hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng toàn diện cho phụ nữ góp phần định hướng giá trị đạo đức mới xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện. Mục tiêu của Hội thông qua cuộc vận động là rèn luyện tính tự tin, sự chủ động của phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động cộng đồng. 

Bên cạnh đó, các chương trình, đề án, dự án do cấp Hội thực hiện đặt nhiều nội dung hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao năng lực, kỹ năng của phụ nữ trong ứng phó và giải quyết các vấn đề xã hội. Giai đoạn 2012 – 2017, trên 88% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ví dụ, thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, năm 2018, có trên 4,5 triệu lượt phụ nữ đã được tham gia các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, v.v. Hoặc Đề án 404 “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất” trong 5 năm, đã tổ chức 560 cuộc thông nâng cao nhận thức cho 153.876 bà mẹ, người chăm sóc trẻ 0-36 tháng tuổi tại địa bàn khu công nghiệp..Ngoài ra, Hội còn thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động khác, như: xây dựng phim có lồng tiếng dân tộc tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức diễn đàn "Cùng xây tổ ấm vì sự an toàn và phát triển của trẻ em", triển lãm về phòng chống bạo lực gia đình "Phía sau cánh cửa"...

1.3. Đảm bảo an toàn thông qua công tác phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực

Hội LHPN Việt Nam có các quyền được luật định nhằm bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, rõ nhất là lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình và hôn nhân gia đình). Hệ thống tổ chức Hội rộng khắp đến tận thôn/bản/làng là điều kiện thuận lợi và là điểm mạnh để các cấp Hội thực hiện hiệu quả chức năng bảo vệ phụ nữ từ cấp cơ sở. Các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em đang có xu hướng tăng những năm gần đây với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhất là các vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Do đó, việc nắm tình hình, phát hiện sớm các vụ việc là rất quan trọng nhằm bảo vệ tốt nhất sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, ngay tại không gian gia đình, cộng đồng. Chính vì vậy, tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực luôn được đặt thành trọng tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Hội. 

Ngay từ nhiệm kỳ XI, Ban Chấp hành TW Hội đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-BCH về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái trong tình hình mới, trong đó, xác định nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ, bảo vệ, tham gia giải quyết các vụ việc đảm bảo quyền của phụ nữ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022 xác định nhiệm vụ “các cấp Hội chủ động nắm thông tin về tình hình và các vấn đề của phụ nữ, kịp thời lên tiếng bảo vệ và tham gia giải quyết các trường hợp phụ nữ bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp…” (Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII). Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” cũng đặt ra một trong các mục tiêu là “Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời”.

Phát hiện, tiếp nhận vụ việc được Hội thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và đơn thư gửi đến các cấp Hội. Giai đoạn 2012-2017, các cấp Hội đã tiếp nhận và xử lý 69.364 đơn thư có nội dung liên quan đến xâm hại tình dục, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, chia tài sản khi ly hôn, đất đai; chế độ chính sách, thi hành án. Riêng năm 2018, các cấp Hội đã tiếp nhận và xử lý 5.011 đơn thư có nội dung chủ yếu liên quan đến xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, chia tài sản khi ly hôn, đất đai. Cấp TW Hội đã tiếp nhận và xử lý 374 đơn thư phản ánh về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, thi hành án dân sự, trong đó, đã gửi 150 văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Trong một số vụ án ly hôn, phân chia tài sản sau ly hôn, cấp dưỡng nuôi con, Hội với tư cách là tổ chức đại diện đã đứng đơn kiến nghị các cơ quan tố tụng về nội dung của các bản án, quy trình tố tụng, kiến nghị các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em kịp thời, đúng quy định của pháp luật góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Hình thức các cấp Hội tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em được sử dụng linh hoạt trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật và theo từng trường hợp cụ thể, trong đó, đáng kể là thể hiện quan điểm, chính kiến về vụ việc trên phương tiện truyền thông đại chúng; kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc khi tiếp nhận vụ việc hoặc khi vụ việc được xử lý chưa thoả đáng; thông qua giám sát các vụ việc điển hình phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực hoặc các vi phạm quyền khác. Đáng lưu ý, Hội đặc biệt quan tâm đến cơ chế, cách thức thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ phụ nữ. 

Trong hệ thống Hội, Đoàn Chủ tịch TW Hội đã ban hành Quy định và hướng dẫn các cấp Hội quy trình tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái, trong đó, hướng dẫn cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng cấp Hội, yêu cầu các cấp Hội chủ động nắm tình hình các vụ việc, lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Tại cơ quan tham mưu cấp trung ương, đã thành lập Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và tổ chức Hội nhằm tham mưu xử lý nhanh các vụ việc được tiếp nhận, báo cáo. Bên cạnh đó, tăng cường tham vấn chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan để giải quyết thông qua việc thành lập Tổ Tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, gồm 16 thành viên là các chuyên gia và đại diện các cơ quan chức năng; thông qua Nhóm chuyên gia giới. Với cơ chế thực hiện vừa phát huy nội lực, vừa tham vấn chuyên gia, vừa phát huy sự phối hợp với các cơ quan chức năng đã giúp việc lên tiếng và tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em có kết quả cụ thể hơn, bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ. Riêng năm 2018, TW Hội sử dụng cơ chế này đã kịp thời lên tiếng, tham gia giải quyết 19 vụ việc gây bức xúc dư luận.

Bên cạnh đó, các chương trình phối hợp, hợp tác với các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể nhằm phát huy thế mạnh, thực hiện hiệu quả hơn chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội cũng được tăng cường, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền của phụ nữ. Riêng năm 2018-5/2019, Hội đã ký kết 03 Chương trình phối hợp với các ngành Tư pháp, Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Hội Luật gia trong công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2018-2022. 

1.4. Đảm bảo an toàn thông qua hoạt động xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình can thiệp hiệu quả tại cộng đồng 

Xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình tại cộng đồng là cách làm truyền thống và là thế mạnh của tổ chức Hội. Các mô hình với loại hình, quy mô, nội dung, tính chất hoạt động khác nhau tuỳ theo từng giai đoạn, từng yêu cầu hỗ trợ, bảo vệ và các vấn đề xã hội đặt ra đã góp phần giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, hỗ trợ và bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở nhiều quy mô từ cộng đồng đến cấp quốc gia, như các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em; vận động phụ nữ tham gia hoạt động xã hội... Đến nay, hàng ngàn mô hình đã được cấp Hội thành lập, đã hỗ trợ, phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ, khẳng định việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ của các cấp Hội.

Các mô hình của Hội theo chia nhóm theo mức độ can thiệp, gồm: (i) Nhóm mô hình vận động, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ: Nhóm Cha mẹ, CLB Làm mẹ an toàn, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, CLB Khi mẹ vắng nhà …; (ii) Nhóm mô hình tư vấn, hỗ trợ: Tổ vay vốn tiết kiệm, Tổ tư vấn tại cộng đồng, CLB Phụ nữ tự lực (hỗ trợ phụ nữ khuyết tật), CLB phòng chống bạo lực gia đình…; (iii) Nhóm mô hình can thiệp, dịch vụ: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Ngôi nhà bình yên, CLB đưa đón con đến trường, Tổ phụ nữ làm dịch vụ gia đình… Có thể đến một số mô hình điển hình của mỗi nhóm như sau:

Mô hình Ngôi nhà bình yên do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện đã trở thành mô hình điển hình trong hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị mua bán và bị bạo lực gia đình phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng tại Việt Nam. Kể từ khi thành lập năm 2007 tính đến /10/2017, mô hình đã tư vấn cho 8.714 lượt người; 1.066 phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị mua bán đã được tiếp nhận và hỗ trợ. Nhà bình yên kết nối với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Trung tâm bảo trợ xã hội của các tỉnh, thành phố để tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân thông qua cơ chế chuyển tuyến. Tại đây, phụ nữ và trẻ em gái được hỗ trợ ăn, ở, quần áo, khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý, đảm bảo an toàn về tính mạng, hỗ trợ học nghề, học văn hoá. Nhiều trường hợp đã được hỗ trợ vốn, công cụ để tái hoà nhập cộng đồng. Đây là mô hình đầu tiên hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực, mua bán trở về. 

Mô hình Nhóm Cha mẹ với mục đích giúp cha mẹ nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ thơ (CSPTTT); hướng dẫn cha mẹ và gia đình kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ dựa vào các mốc phát triển của trẻ từ 0-8 tuổi. Sau 2 năm thực hiện, 35 tỉnh/thành Hội đã thành lập được 259 nhóm, thu hút tới 9.229 người, trung bình mỗi nhóm có khoảng 27 thành viên là ông bố/bà mẹ/người chăm sóc trẻ tham gia.

Mô hình Tổ tư vấn cộng đồng được triển khai ban đầu tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện đã được nhân rộng tại 100% các khu phố/ấp địa bàn thành phố. Thành viên là những trí thức cư trú tại địa bàn tình nguyện tham gia vì cộng đồng. Mục đích hoạt động của Tổ là tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tại địa bàn. Mô hình được đánh giá đã đáp ứng được nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ tại địa bàn, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ. 

Mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng (ĐCTC) trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, cấp Hội cơ sở đã chủ động tham mưu xây dựng mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với những hoạt động cụ thể: tiến hành rà soát, lựa chọn, vận động các cá nhân có uy tín trong cộng đồng, nhiệt tình và có điều kiện tự nguyện đăng ký trở thành ĐCTC ở cộng đồng, tham mưu để UBND xã ra quyết định công nhận ĐCTC, ban hành quy chế hoạt động, thông báo rộng rãi để mọi người trong cộng đồng biết và liên hệ khi cần được tư vấn, trợ giúp. Đến nay, đã có gần 30.000 ĐCTC được Hội Phụ nữ cơ sở tham mưu thành lập. Thành viên gồm đại diện các ban ngành đoàn thể, những người có uy tín ở cộng đồng tham gia hỗ trợ tư vấn, giáo dục, hướng dẫn, kết nối giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình; đồng thời, cũng tham gia quá trình giáo dục, xử lý người gây bạo lực gia đình. 

Có thể nói, thông qua triển khai các mô hình này, Hội đã góp phần xây dựng các gia đình trở thành mái ấm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng các cộng đồng văn minh mà ở đó phụ nữ và trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn.

2. Các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện
Bối cảnh phát triển xã hội hiện nay đặt ra nhiều vấn đề, thách thức cho Hội trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Cụ thể là một số vấn đề sau:

Thứ nhất, những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước tiếp tục tác động đa chiều, khó lường đến phụ nữ và công tác phụ nữ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) tạo ra nhiều thách thức về việc làm đối với phụ nữ, nhất là trong các ngành nghề có đông lao động nữ; Biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế của người dân; Xu hướng di cư lao động tăng tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực về hôn nhân, gia đình; Tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi, đặc biệt khi công nghệ phát triển thì các hình thức tội phạm lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết của phụ nữ ngày càng phát triển; Những tác động tiêu cực của mạng xã hội gây khó khăn cho giáo dục gia đình và định hướng giáo dục nhân cách, nhất là đối với trẻ em. 

Thứ hai, nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội còn hạn chế do định kiến giới vẫn đang tồn tại, phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức; tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em ngày càng gia tăng, nghiêm trọng; tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai ngoài ý muốn, mang thai tuổi vị thành niên còn cao; tình trạng tảo hôn; phụ nữ bị mua bán, phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế vẫn diễn biến phức tạp...

Thứ ba, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình mặc dù đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng việc thực hiện trong thực tế còn khoảng cách lớn; pháp luật về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới còn thiếu; tình hình vi phạm pháp luật đối với phụ nữ, trẻ em diễn ra còn khá phổ biến trong khi năng lực giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ theo chức năng của tổ chức Hội còn hạn chế; Việc phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực và lên tiếng hỗ trợ tham gia giải quyết của các cấp Hội đôi khi còn chậm, chưa chủ động, thiếu sự đeo bám, quyết liệt.

Và cuối cùng, tri thức của phụ nữ ngày càng cao, thông tin từ nhiều nguồn, nhiều chiều trong khi nhu cầu và mong muốn của phụ nữ đối với tổ chức Hội ngày càng đa dạng đang là thách thức lớn đối với công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ của các cấp Hội.

3. Đề xuất giải pháp
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn của tổ chức Hội, nhất là trong các hoạt động góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các cấp Hội cần nghiên cứu, tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:

Đối với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ
Xác định nội dung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, tập trung thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2019 và những năm tiếp theo. Xây dựng các sản phẩm truyền thông trực quan phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, địa bàn dân tộc miền núi.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát huy nội lực, tự trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về những tấm gương phụ nữ tiêu biểu, các cơ quan, tổ chức có cách làm hay trong hỗ trợ phụ nữ tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với nhiệm vụ tham mưu đề xuất chính sách; giám sát và phản biện xã hội
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách; tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới như: đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình... Đề xuất sửa đổi một số quy định về mức xử phạt hành vi xâm hại, quấy rối tình dục nhằm tăng cường tính ren đe, giáo dục của pháp luật.

Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở, đảm bảo thực hiện hiệu quả trách nhiệm đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tăng cường năng lực nghiên cứu của Hội về các vấn đề xã hội đối với phụ nữ để cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác phản biện và đề xuất chính sách.

Tăng cường giám sát vụ việc, giám sát quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Thực hiện việc lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ
Sâu sát cơ sở, nhạy bén và nắm chắc tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ theo đặc điểm của từng vùng, miền; lấy lợi ích thiết thân của phụ nữ là mục tiêu bao trùm cho mọi hoạt động Hội. 

Thực hiện đồng thời việc hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ với coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức của phụ nữ; thu hút, vận động phụ nữ trong xây dựng và thực hiện các hoạt động Hội, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của phụ nữ, trẻ em.

Đẩy mạnh các chương trình phối hợp, nhất là chương trình phối hợp với các cơ quan tố tụng để tăng cường lên tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em; Tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên trong lĩnh vực pháp luật, quyền con người và vấn đề giới để huy động trí tuệ, kinh nghiệm đảm bảo việc lên tiếng có chất lượng, hiệu quả, kịp thời.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và nhân rộng các mô hình thu hút, tập hợp phù hợp với từng nhóm phụ nữ, đảm bảo phát huy tính tự chủ, tiềm năng của nhóm phụ nữ thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ cần sự trợ giúp để phát triển toàn diện.

Nghiên cứu và phối hợp triển khai nhân rộng mô hình Thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái đã và đang được thực hiện tại một số tỉnh, thành phố; các mô hình hướng tới thay đổi các quan niệm, định kiến của xã hội phân biệt đối xử về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. 
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm mô hình hay, hiệu quả; chủ động vận động hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật để thực hiện các mô hình hiệu quả. Xây dựng và thực hiện tốt các đề án, dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu không để phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau.

TS. Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 1
Hôm nay 269
Tháng này 3448
Tổng truy cập 452732