Ngày 31/1, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã có công văn số 3990/ĐCT-TG đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành phố và các ban, đơn vị xác định phòng chống dịch do virus Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Công văn nêu rõ: Thực hiện Công văn số 79- CV/TW ngày 29/01/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành phố và các ban, đơn vị xác định phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05/CT-TTG ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra tới các cấp Hội và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan/đơn vị.
2. Các cấp Hội chủ động phối hợp với ngành y tế và các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp kiến thức và hướng dẫn kỹ năng cho hội viên, phụ nữ và vận động chị em tuyên truyền tới người thân trong gia đình về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch do chủng mới virus Corona gây ra; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của phụ nữ, người dân và cộng đồng trong việc tự dự phòng là chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Hội (báo, thông tin phụ nữ, website, trang mạng xã hội facebook, zalo, nhóm email...). Phát hiện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền các trường hợp đưa thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
3. Tạm dừng các hoạt động hội họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện tập trung đông người và thay đổi hình thức tổ chức sinh hoạt hội viên phù hợp thực tế.
4. Nắm tình hình ở cơ sở để kịp thời phát hiện và báo cáo các trường hợp nghi nhiễm bệnh tới các cơ quan có thẩm quyền/cơ sở y tế gần nhất.
5. Tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp ủy địa phương.
6. Báo Phụ nữ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống và hoạt động của các cấp Hội trong phòng chống dịch.
7. Báo cáo triển khai các hoạt động trong báo cáo hàng tháng gửi Trung ương Hội LHPN Việt Nam (qua Văn phòng).
* Theo Bộ Y tế, đến chiều ngày 31/1, toàn cầu có trên 9.800 trường hợp nhiễm virus Corona, trong đó có 213 trường hợp tử vong. So với ngày 30/1, số ca tử vong tăng 43 trường hợp tử vong, tất cả số người tử vong do virus này đều là người Trung Quốc. Hiện quốc gia này có 9.807 trường hợp nhiễm virusCorona.
Đến ngày 31/1, có thêm 2 quốc gia xuất hiện hiện bệnh nhân mắc nCoV. Như vậy, hiện có tổng số 21 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.
21 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc như sau: Thái Lan: 14 trường hợp; Australia: 9 trường hợp; Singapore: 10 trường hợp; Mỹ: 6 trường hợp; Nhật Bản: 11 trường hợp; Malaysia: 8 trường hợp; Hàn Quốc: 4 trường hợp; Pháp: 5 trường hợp; Việt Nam: 5 trường hợp; Campuchia: 1 trường hợp; Canada: 3 trường hợp; Đức: 4 trường hợp; Nepal: 1 trường hợp; Sri Lanka: 1 trường hợp; Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất: 4 trường hợp; Phần Lan: 1 trường hợp; Hồng Kông (Trung Quốc): 10 trường hợp; Macau (Trung Quốc): 7 trường hợp; Đài Loan (Trung Quốc): 9 trường hợp; Ấn Độ: 1 trường hợp và Philippines: 1 trường hợp.
Rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (2019nCoV) gây ra.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng nhanh chóng tại Trung Quốc. "Lý do chính của quyết định này không chỉ là do những gì đang diễn ra tại Trung Quốc mà còn do tình hình dịch bệnh tại những quốc gia khác", Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesusncho biết trong thông báo được đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.