Thứ 4 Ngày 04 tháng 12 năm 2024

Các cấp Hội LHPN Quảng Nam tham gia quản lý nhà nước qua 05 năm thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP

05/10/2018 14:19:28      246 lượt xem

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước xuất phát từ vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong Hệ thống chính trị, được quán triệt trong chủ trương của Đảng, quy định trong Hiến pháp và pháp luật, cụ thể hóa trong Nghị định số 19/2003/NĐ-CP ngày 7/3/2003, nay là Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ về việc quy định trách nhiệm của các Bộ, Ngành, UBND các cấp bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước (NĐ 56/2012/NĐ-CP).

5 năm (2012 – 2017) thực hiện chức năng tham gia quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính Phủ, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ban, Ngành, Đoàn thể và Nhân dân về vai trò của phụ nữ tham gia vào quá trình quản lý nhà nước – xã hội; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu tham gia xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; chủ động kiến nghị, đề xuất các chính sách, biện pháp về tổ chức Hội, gia đình và bình đẳng giới; phối hợp chặt chẽ với các Ban, Ngành và UBND các cấp trong việc vận động HVPN và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đảm bảo vấn đề giới được phản ánh trong quá trình hoạch định chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. 
Thứ nhất, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội liên quan đến PN-TE và bình đẳng giới. Trong quá trình ban hành văn bản, chính sách tại địa phương, các cơ quan chủ trì soạn thảo mời Hội LHPN các cấp tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đối với chương trình phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…Bằng nhiều hình thức, Hội LHPN các cấp tham gia gần 30.000 lượt ý kiến góp ý vào các dự thảo: Hiến pháp năm 1992, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân – gia đình, Luật BHXH, Luật Trẻ em, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, các vấn đề phát triển kinh tế, quản lý xã hội, an sinh xã hội... Qua đó, nhiều ý kiến đã được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành tiếp thu để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Thứ hai, tham mưu, đề xuất cán bộ nữ, cán bộ Hội tham gia lãnh đạo, quản lý trong cơ quan bầu cử, chính quyền; các chính sách/chương trình/đề án có liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Từ 2012 đến nay, có 03 lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, 12 cán bộ Hội cấp huyện, 59 cán bộ Hội cấp xã được điều động, luân chuyển sang công tác Đảng, chính quyền, HĐND và các ngành, đoàn thể . Tham mưu với cấp ủy, chính quyền cử cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng hàng năm chiếm 27,6% /30%. Trong 2 sự kiện bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và Nhiệm kỳ 2016-2021, Hội LHPN tỉnh, huyện phối hợp với HĐND, Ban VSTB phụ nữ, tổ chức 33 khóa/2.240 nữ ứng cử viên HĐND tham gia lần đầu. Phối hợp tổ chức các sự kiện về công tác cán bộ nữ ... Qua các hoạt động đã góp phần vào kết quả bầu cử: Cán bộ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 tỷ lệ 14,3%, tăng 3,1% so với nhiệm kỳ trước, trong đó cán bộ Hội chiếm 28%; Nữ đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 tỷ lệ 22,2%, tăng 2,7% so với nhiệm kỳ trước, trong đó cán bộ Hội chiếm 19,3% . Tham mưu cho các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh có cán bộ nữ đảm nhiệm chức vụ chủ chốt đạt 10,66%; trưởng phòng và tương đương đạt 17,99%, phó phòng và tương đương đạt tỷ lệ 20,3%; có 04/18 UBND huyện, thị xã, thành phố có cán bộ nữ đảm nhận chức vụ chủ chốt, tỷ lệ 27,77% .
Đến năm 2016, các cấp Hội đã nghiên cứu tham mưu, phối hợp đề xuất với Đảng, chính quyền được 8 chính sách: Chính sách đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Hội; kinh phí hoạt động của Hội LHPN cơ sở; hỗ trợ chế độ cho cán bộ Chi hội; hỗ trợ cho phụ nữ thực hiện KHHGĐ; hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ nữ khi được đào tạo, bồi dưỡng (ngoài kinh phí được quy định); hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho lao động nữ tại các vùng giải tỏa, đền bù; xây dựng khu vui chơi, nhà trẻ, trường mẫu giáo cho trẻ em... Ngoài ra, Hội LHPN các cấp đề xuất UBND cùng cấp phân bổ kinh phí trên 2 tỷ đồng thực hiện Đề án 343/CP, Đề án 704/CP, chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm, ma túy, môi trường, biến đổi khí hậu, an toàn giao thông... 
Thứ ba, tham gia là thành viên chính thức trong các tổ tư vấn (Hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo…); tham gia kiểm tra, giám sát những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của PN-TE và bình đẳng giới. Hội LHPN các cấp đều được mời tham gia thành viên chính thức trong các Hội đồng, Ban quản lý, Ban chỉ đạo các cấp: Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban VSTB phụ nữ, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ... Thông qua đó, các cấp Hội đã phát huy vai trò đại diện tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, luật pháp, nhất là các chính sách an sinh xã hội nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho HVPN như: Chính sách giảm nghèo bền vững; chế độ cho hộ nghèo, chế độ bảo trợ xã hội, xóa nhà tạm, BHYT người nghèo, công trình nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, y tế, giáo dục... Qua kiểm tra, giám sát, các cấp Hội đã kiến nghị với chính quyền, các ngành liên quan: điều chỉnh phân bổ kinh phí hoạt động Hội LHPN xã theo NQ 22/NQ-HĐND tỉnh; đảm bảo tỷ lệ nữ ứng cử tại các huyện miền núi; giải quyết chế độ đối với 6 trường hợp phụ nữ cao tuổi chưa được hưởng chính sách có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg do còn vướng về hồ sơ; đề xuất bổ sung kinh phí đại hội 3 cấp ngoài kinh phí thường xuyên tại một số huyện theo NĐ 56/NĐ-CP; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho HVPN, hỗ trợ vốn, đất sản xuất cho các huyện miền núi cao …
Thứ tư, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, luật pháp có liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Các cấp Hội phối hợp ký kết chương trình liên tịch với ngành Tư pháp, Văn hóa, thể thao và du lịch, Nông nghiệp, Ban Dân tộc, Y tế, giáo dục, LĐ-TBXH…Trên cơ sở phối hợp, các cấp Hội đã tổ chức các điểm truyền thông tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của nhà nước và các chuyên đề của Hội thông qua các đợt sinh hoạt định kỳ, ngày truyền thống, Ngày pháp luật ... Phối hợp xây dựng 500 địa chỉ tin cậy tại cơ sở tư vấn và hỗ trợ cho hàng trăm nạn nhân bạo lực gia đình; hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin mở chuyên mục, trang tin, cổng thông tin điện tử, thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách, luật pháp, hoạt động Hội; xây dựng tài liệu, phát hành 550 bản tin/quý đến cơ sở Hội để làm cẩm nang tuyên truyền. 
Thứ năm, tham gia góp ý xây dựng chính quyền về cải cách hành chính, dân chủ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các cấp Hội tổ chức cho cán bộ, HVPN đóng góp trên 1.000 lượt ý kiến với cấp ủy, chính quyền về: Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dân chủ cơ sở, tiêu cực, lãng phí; các vấn đề tác động đến đời sống của HVPN và những bất cập về thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương như: giải tỏa, đền bù, giao thông nông thôn, nước sạch, đất sản xuất, di dời chợ, trường học, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu...; Phối hợp với Mặt trận, các ngành góp ý đối với đội ngũ cán bộ, CCVC, đảng viên Công an, y tế thông qua thực thi công vụ, thực hiện dân chủ cơ sở và mô hình ”Diễn đàn nhân dân”. 
Hội LHPN các cấp thường xuyên nắm các vấn đề bức xúc của phụ nữ ở địa phương như: Bạo lực gia đình, xâm phạm phụ nữ, trẻ em gái, đói nghèo, việc làm, khó khăn đột xuất; tình hình tư tưởng của HVPN những vùng có các dự án, đường cao tốc đi qua, vùng có tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, giải phóng mặt bằng... đề xuất cho Đảng, chính quyền giải quyết, góp phần ổn định tư tưởng cho phụ nữ và tạo đồng thuận trong xã hội. Tích cực tham gia tích cực vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở và xét xử tại Tòa án các cấp …
Mặc dù, các cấp Hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia vào quản lý nhà nước – xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về mặt chủ quan, đó là: Các cấp Hội chưa phát huy hết khả năng tham góp ý xây dựng luật pháp, chính sách và các chương trình phát triển KT-XH, cũng như phát huy tốt vai trò là thành viên tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách tại địa phương; chưa mạnh dạn, chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; công tác nắm bắt các vấn đề xã hội của phụ nữ, trẻ em chưa kịp thời… 
Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực, vai trò của tổ chức Hội tham gia quản lý Nhà nước, các cấp Hội cần bám vào Mục tiêu Nghị quyết Đại hội PNTQ và đại hội phụ nữ các cấp đề ra; chủ động, tăng cường hơn nữ phát huy tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em và gia đình, góp phần đưa Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống trong giai đoạn mới.
Nguồn tin: Nguyễn Thị Dung - Trưởng Ban CSLP Hội LHPN tỉnh (Bản tin PNQN số 38)

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 6
Hôm nay 34
Tháng này 3688
Tổng truy cập 1059849