BÀI 1: TRÀN LAN SAI PHẠM Chỉ bằng mắt thường cũng đã có thể nhận thấy thực phẩm bẩn có mặt thường xuyên trong đời sống nhưng hiệu quả quản lý từ cơ sở là rất hạn chế. Sản xuất tự phát Cơ sở sản xuất phở sắn của gia đình ông Cao Quang Bảy (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) bừa bộn nguyên liệu, vật dụng. Đáng ngại hơn, khu vực thao tác phở sắn thành phẩm lại bố trí không ngăn cách với nhà vệ sinh. Quá bất ngờ với cảnh tượng đang diễn ra trước mắt, chúng tôi đặt câu hỏi về vệ sinh thực phẩm với bà Đặng Thị Nhiều đang trực tiếp bố trí phở sắn lên các vỉ tre đem phơi thì nhận được câu trả lời: “Phở sắn vẫn được chế biến như vậy từ chục năm nay, có ai phàn nàn chi về chất lượng đâu. Nhiều người đến đây đặt mua phở sắn lắm. Cứ yên tâm đi, lát nữa đem một ít về ăn thử là biết ngay”. Ông Bảy cho biết, quy trình sản xuất ở cơ sở chế biến phở sắn là xay bột sắn đem ngâm với nước, chắt lọc ra để nấu phở rồi đem phơi, đều đặn mỗi ngày cho ra thị trường 50kg phở khô. Khi được hỏi về nguồn gốc sắn thì ông Bảy cho biết mua bất kỳ ở đâu trên thị trường mà không hề có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì ông Bảy lắc đầu. Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy, cơ sở sản xuất phở sắn này không đảm bảo chất lượng nguồn nước chế biến thực phẩm; không được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, không thực hiện lưu mẫu và thực hành vệ sinh cá nhân, người lao động không được khám sức khỏe định kỳ. Các thiết bị, dụng cụ chế biến phở sắn đều không đảm bảo vệ sinh.
Tại cơ sở sản xuất đường phèn của gia đình bà Trần Thị Phương (xã Hương An, Quế Sơn) nhà xưởng thì tạm bợ, nền nhà vương vãi hỗn hợp nhiều chất bẩn, trần nhà đầy mạng nhện, tường nhà loang lổ màu sơn đã ố vàng. Không gian sản xuất đường phèn lại bốc lên mùi hôi. Thiết bị phòng chống côn trùng chưa được chủ cơ sở đầu tư. Bà Phương cho biết, không có cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Cả chủ cơ sở lẫn nhân công đều không có giấy khám sức khỏe định kỳ. Khu vực bảo quản nguyên liệu và thành phẩm đường phèn không đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh. Khi được hỏi về quy trình sản xuất đường phèn, bà Phương nói rằng, thực hiện theo kiểu cha truyền con nối chứ không có quy trình nào cả. “Tôi có được kiểm tra, thanh tra bao giờ đâu mà biết mình sản xuất thế này có sai phạm gì không. Cán bộ xã, huyện cũng không tập huấn hay yêu cầu chi nên tôi cứ thế mà sản xuất từ năm này qua năm khác” - bà Phương nói. Tương tự, kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Khánh Luân (xã Tam Quang, Núi Thành) mới đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện cơ sở này không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; không kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm định kỳ; hồ sơ khám sức khỏe nhân viên hết hạn từ tháng 6.2016 đến nay vẫn chưa được bổ sung; đặc biệt là nguồn nước uống không đảm bảo chất lượng. Cơ sở sản xuất chả của hộ bà Nguyễn Thị Ly (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) sử dụng chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục cho phép gây nguy hại sức khỏe người dùng. Cam kết lấy lệ
Từ chương trình phối hợp của UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, bản cam kết sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm đã ra đời và triển khai thí điểm tại thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên. Theo đó, hộ sản xuất hoặc kinh doanh phải cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước người tiêu dùng, cơ quan quản lý về những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Theo ghi nhận của chúng tôi ở xã Duy Thành (Duy Xuyên), việc cam kết chỉ được thực hiện cho có. Đến nay, đã có 890/1.500 hộ ký cam kết nhưng hầu hết đều không thực hiện theo quy định. Có mặt ở cơ sở giết mổ gia súc của hộ ông Lê Trung Cảnh (thôn Thi Thại, xã Duy Thành), chúng tôi nhận thấy trong phạm vi giết mổ bò hơn 200m2, vương vãi, nhầy nhụa chất bẩn. Khu vực giết mổ này nằm sát sông Duy Thành, nhìn xuống thấy có chất bẩn bốc mùi hôi. Ông Huỳnh Tấn Xuân - cán bộ phụ trách thú y của UBND xã Duy Thành cho biết, hộ ông Cảnh đã ký cam kết giết mổ bò đảm bảo an toàn thực phẩm từ 2 năm nay. Tuy nhiên, không biết ông Cảnh mua bò từ đâu về để mổ vì không thấy xuất trình hóa đơn chứng từ kèm theo. Các sản phẩm từ bò được tư thương chuyển đến bán ở khắp các địa bàn của tỉnh và TP.Đà Nẵng mà không hề được đóng dấu kiểm dịch. “Ngành chăn nuôi và thú y của huyện đã thu dấu rồi nên chúng tôi không thể đóng dấu kiểm dịch được. Sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng chúng tôi không thể xử lý được” - ông Xuân nói. Cơ sở giết mổ heo của ông Nguyễn Tấn Hùng (thôn Thi Thại, xã Duy Thành) hoạt động bấy lâu nay mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Ông Hùng bảo mua heo trên địa bàn xã về mổ với quy mô 2 con/ngày để bán ngay tại địa phương chứ không mua nhiều ở nơi khác nên không có hóa đơn, hợp đồng chứng minh nguồn gốc. Đáng nói, mặc dù mổ heo trái quy định nhưng ông Hùng cũng đã được địa phương vận động và thông qua cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Về điều này, ông Trần Thanh Thư - Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho rằng, biết làm sao được, xã không thể quán xuyến mọi việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Tại thị xã Điện Bàn, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cũng chưa đi vào thực chất. Nhiều hộ sản xuất hay kinh doanh thực phẩm ký cam kết vì được vận động và muốn tạo “bình phong” hòng qua mắt ngành chức năng, người tiêu dùng. Nhiều cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm dù có cam kết. Cơ sở sản xuất chả Quảng Phú (thôn Bồng Lai, xã Điện Minh) chưa có hồ sơ hành chính, pháp lý, chưa tiếp cận được kiến thức an toàn thực phẩm mà vẫn cam kết an toàn thực phẩm và hoạt động nhiều năm nay. Hộ kinh doanh bánh khô mè Phan Thị Vân (thôn Phong Nhị, Điện An) không có tủ, giá bày bán sản phẩm, thậm chí không dùng bảo hộ lao động khi làm bánh. Cơ sở mầm non tuổi thơ Nguyễn Thị Xuân Hòa (khối phố Ngọc Tam, Điện An) không có giấy chứng nhận kiến thức và giấy chứng nhận sức khỏe; trang thiết bị, dụng cụ, con người không đảm bảo về an toàn thực phẩm... |
|||
Nguồn tin: NGUYỄN QUANG VIỆT (Báo Quảng Nam) |
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu
05/10/2018 16:31:53 354 lượt xemCó quá nhiều bất cập từ sản xuất, thực hiện dịch vụ, kinh doanh khiến cho thực phẩm bẩn nổi trôi trên địa bàn tỉnh gây nên những hệ lụy trước mắt và lâu dài cho sức khỏe người tiêu dùng. Dù được quản lý bởi nhiều ngành và đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn rất lỏng lẻo...
Tin liên quan
- Các giải pháp bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp
- AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM LÀ GÌ?
- NHỮNG LƯU Ý KHI LỰA CHỌN THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT
- F0 điều trị tại nhà: Ăn uống thế nào để nhanh khỏi bệnh?
- 8 cách bảo quản đơn giản giúp rau củ, trái cây tươi lâu hơn
- Gạo lứt - lựa chọn số một cho sức khỏe
- 5 loại trái cây tốt cho sức khỏe và da nên tiêu thụ mỗi ngày
- Salad rau quả thanh mát cho ngày nắng lên
- Mặt trái nguy hiểm của nước dừa bạn cần biết
- Thực phẩm màu tím - xu hướng mới của thực phẩm lành mạnh 2018