Thứ 5 Ngày 19 tháng 09 năm 2024

Người phụ nữ đam mê nghề làm đầu lân ở Hội An

13/09/2024 18:21:52      35 lượt xem

Là một trong những người phụ nữ hiếm hoi còn gìn giữ nghề làm đầu lân thủ công ở Phố cổ Hội An, chị Phùng Thị Hoà vẫn mải mê say sưa với công việc của mình trong những ngày bận rộn và tràn ngập âm thanh tùng tùng của tiếng trống lân khi Tết Trung thu sắp về.

Không khí tại cơ sở sản xuất Lân Sư Rồng của anh Nguyễn Hưng ở tại Trảng Suối, Cẩm Hà càng trở nên nhộp nhịp, sôi động, những người thợ càng khẩn trương hơn để kịp hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của đầu lân để giao cho khách. Tôi để ý đến người phụ nữ đang say sưa cắt cắt may may giữa một mớ vải đủ màu sắc để làm đuôi lân, đó là chị Phùng Thị Hoà, người góp phần giữ gìn nghề làm đầu lân thủ công ở Hội An.

Ảnh: Gia đình chị Hoà đang thực hiện các công đoạn của nghề làm đầu lân

Nên vợ chồng với anh Hưng, chị Hoà dần dần đến với nghề làm đầu lân và đam mê từ khi nào cũng không biết nữa. Chị kể, hồi trẻ, anh Hưng mê múa lân lắm, suốt ngày tự mày mò làm để thoả đam mê, rồi sau đó vợ chồng anh gắn bó với nghề này tính ra cũng hơn 30 năm rồi. Không học qua trường lớp, không có sách vở khuôn mẫu nào, vợ chồng chị tự nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo ra các linh vật với cái thần, cái hồn đầy mê đắm lòng người. Đứng sau người chồng nghệ nhân, chị Hoà luôn truyền năng lượng tích cực và là nguồn khơi gợi cảm hứng để chồng chị cho ra đời các dòng sản phẩm độc đáo, tiêu biểu như Kim sư Phố cổ là sản phẩm mới nhất, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như Thiên cẩu, lân, mặt nạ, ông địa…

Ảnh: Chị Hoà cùng chồng vẽ các hoạ tiết

Xưởng của chị hiện có 8 thợ, mùa cao điểm có thể lên đến 20 thợ, trong đó có 4 nữ, là con cháu trong nhà chị. Hai con gái chị đều theo nghiệp của ba mẹ, kiểu như nghề này đã ngấm vào từng hơi thở của các thành viên gia đình chị như một lẽ thường tình. Chị Hoà thường sẽ đảm nhận phần lên mẫu, cắt, may, dán phần đuôi bằng vải với nhiều kích thước khác nhau. Nhiều khách hàng rất khó tính, không thích kiểu làm đầu lân công nghiệp, nên tìm đến với chị và yêu cầu chính chị phải trực tiếp làm. Rồi các con gái của chị hiện nay cũng là những người thợ lành nghề, tay điêu luyện cầm cọ vẽ, đặc biệt là mắt lân rất có hồn và cuốn hút, xứng đáng là những truyền nhân thực thụ.

Mỗi năm, xưởng của chị bán ra hàng ngàn con lân lớn nhỏ, có cả xuất đi nước ngoài; ở xưởng chị, lân không chỉ làm cho Tết Trung thu mà làm quanh năm. Chị góp phần giải quyết việc làm cho gần 10 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định. Chị còn mở các lớp dạy nghề cho thợ tại xưởng; tổ chức các buổi workshop và được du khách thích thú tham gia vẽ ông địa, vẽ lân, dán đèn lồng…

 Ảnh: Hướng dẫn du khách làm lồng đèn

Năm 2023, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An được vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gia đình chị hiến tặng và trưng bày các đầu Thiên cẩu sau hơn một tháng chế tác. Hình ảnh giản dị, lem luốc sơn của chị Hoà đang chỉnh sửa, chuốt lại vẻ đẹp cho cái đầu lân tư tướng - tưởng đâu là nghề chỉ dành cho nam giới, làm tôi liên tưởng đến một câu nói: Không có giới hạn nào cho phụ nữ, phụ nữ có thể làm bất kì mọi thứ và trở thành bất kì ai mà ta hằng mong ước.

Anh Thơ 

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 24
Hôm nay 2141
Tháng này 132248
Tổng truy cập 929484