Thứ 6 Ngày 22 tháng 11 năm 2024

Lễ hội giỗ tổ nghề Gốm Thanh Hà năm 2019

12/08/2019 16:51:36      416 lượt xem

Mồng 9 và mồng 10 tháng bảy âm lịch hằng năm, hàng trăm hộ dân làng gốm Thanh Hà đều tập trung về Tổ miếu Nam Diêu (thuộc khối Nam Diêu, phường Thanh Hà) để tham dự Lễ giỗ Tổ nghề Gốm trong sự chứng kiến của đại biểu thành phố, địa phương và du khách.

Theo sử sách thì cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương vào định cư từ khoảng cuối thế kỷ XV. Trong buổi đầu sơ khai, khi đồ dùng của đại bộ phận dân cư chủ yếu là đồ gốm sứ, đất nung thì cư dân ở đây đã tiếp tục truyền thống của cha ông, khai thác địa thế thuận lợi của vùng đất mới để phát triển nghề Gốm. Theo lời kể lại của một số người dân Nam Diêu làng Thanh Hà thì năm 1516, nghề gốm bắt đầu sản xuất tại làng Thanh Chiếm (nay là khối Thanh Chiếm) , sau đó do không hợp phong thủy nên dời lên Nam Diêu - có nghĩa là lò gốm ở phía Nam.

Ngay từ sáng sớm, phần tế lễ do Ban trị sự miếu Nam Diêu tiến hành tế lễ theo nghi lễ truyền thống tại khu miếu Tổ nghề. Đây là nơi được cư dân thờ tự, tôn vinh và ngưỡng vọng về công đức của các vị Tổ nghề. Trải qua nhiều thế kỷ, bao thăng trầm của lịch sử, cư dân làng nghề đã không ngừng lao động sáng tạo, dựng làng, lập ấp, trao dồi thủ nghệ, khiến cho danh tiếng làng gốm Thanh Hà nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Tuy chưa thể sánh ngang với Phù Lãng, Bát Tràng… xứ Kinh Bắc, nhưng danh tiếng nghệ nhân của gốm Thanh Hà và nhiều bậc tiền bối cũng đã vang xa. Nhiều nghệ nhân của làng đã đứng ở hàng phẩm trật danh giá dưới thời phong kiến nhà Nguyễn.

Trong văn tế của Ban tế lễ do các bô lão Ban trị sự miếu Nam Diêu chủ trì điều hành theo nghi thức truyền thống, ngoài tâm niệm cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà an lành, đề cao công đức Tổ nghề. Lời tiếng của người hậu thế cũng đã gợi tưởng niềm tự hào mà bao thế hệ người làng Nam Diêu, Thanh Chiếm, Bộc Thủy… hoài vọng. Đất đai ngày một cao thêm vì được bồi đắp; quê hương nuôi dưỡng bao bậc chí sĩ, danh nhân; kinh đô Huế, phố cổ Hội An một tay góp sức dựng xây. Hơn thế, trong thời cuộc biến thiên, cái lò, cái ấm, cái niêu, cái chĩnh cũng đã cùng với hàng vạn người xứ Quảng trong lúc khốn khó.

Nghệ nhân Lê Thi Chiến, 85 tuổi nói “Mỗi năm đến giỗ tổ, người dân làng gốm như được tiếp thêm sức dẻo, sức dai để hăng say lao động, sản xuất. Ghi nhớ  công ơn cao dày của các bậc tiền nhân đã có công khai sáng làng nghề; “Cây có cội, người có tổ, có tông” không có cục đất, giọt nước mô lại không được cha ông vun trồng, chăm tưới. Lễ giỗ Tổ nghề gốm hằng năm còn làm con bà con ta bó với nghề, dù khó khăn mấy cũng không quên tôi luyện đôi tay, đắp cái lò, xoay bàn chuốt, nhắm phơ. Ngày hôm nay đông đảo bà con góp tay làm lễ, thêm nhiều khách du lịch xa, gần đến xem, tôi mừng như hồi còn trẻ con đi dự cúng xóm, cúng làng”.

Ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, các nghệ nhân, cao niên của làng đã bắt tay chuẩn bị mọi phương tiện, vật dụng cho lễ từ cái chiêng, cái trống, trang phục, cờ, liễng, nghi trượng… Các vật dụng trên đều được các vị có phẩm hạnh và hiểu biết trong làng chấp sự, bố trí sẵn ở những nơi trang nghiêm. Đến sáng sớm ngày mồng 10 tháng, sau khi đoàn rước kiệu đưa vật Tổ từ miếu Lùm Bà Dàng thuộc khối Thanh Chiếm về khu Tổ miếu Nam Diêu thuộc khối Nam Diêu để tiến hành khai Lễ.

Ngay sau phần Lễ tế là phần Hội, người dân làng nghề đa phần “mặc áo vải màu đất” - trang phục chính của Làng nghề, cùng du khách tham gia các hoạt động phần hội, với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của làng nghề như: thi chế tác gốm, trưng bày sản phẩm gốm, chuốt gốm, nặn con thổi bằng đất, nấu cơm niêu, bịt mắt đập nồi, đua thuyền, đi xe đạp chậm, kéo co... Trong mỗi dịp lễ giỗ Tổ nghề gốm, ngườiphụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng, bởi vì chính họ là những người dâng lễ vật để tế Tổ nghề và cũng là người lo toan phần ẩm thực phục vụ lễ, hội. Năm nay, lực lượng đông đảo phụ nữ tham gia các cuộc thi như chuốt gốm vòng chung khảo với 04 thí sinh nữ, nặm con thổi với 04 thi sinh nữ trên tổng số 06 thí sinh.

Đặc biệt dịp Lễ năm nay, UBND phường Thanh Hà đã công bố quyết định khen thưởng và vinh danh vợ chồng ông Nguyễn Văn Xê và Dương Thị Ca đã có thành tích trong công tác đào tạo nghề gốm truyền thống cho con em của làng nghề với tổng số 15 học viên, trong đó có 14 học viên là nữ, nhằm giải quyết việc làm cho số lao động nữ tại làng nghề, nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điêu kiện và tiền đề cho sự phát triển của làng nghề gốm Thanh Hà  về dòng gốm lưu niệm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách đến tham quan làng gốm trong thời gian đến.

Huỳnh Thị Minh Hương (Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Hà)

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 3
Hôm nay 116
Tháng này 25583
Tổng truy cập 1044472